Thanh Hóa nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm di tích xuống cấp trầm trọng. Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là ngành văn hóa đã nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm giúp các di tích trường tồn và phát huy giá trị trong dòng chảy văn hóa.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa hiện có khoảng 850 di tích được xếp hạng, trong đó có tới hơn 300 di tích đã xuống cấp, cần được tu bổ. Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng đến mức, nếu không được tôn tạo kịp thời, có nguy cơ trở thành phế tích trong tương lai gần.

Thanh Hóa nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích- Ảnh 1.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo, chống xuống, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch. Trung bình mỗi năm năm, UBND tỉnh dành nguồn ngân sách khoảng 30-50 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Thanh Hóa nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích- Ảnh 2.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thanh Hóa có khoảng 140 di tích được phê duyệt chủ trương đầu tư. Riêng năm 2023, trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 70 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được phê duyệt chủ trương đầu tư; có 05 di tích cấp tỉnh được công nhận, có 07 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Thanh Hóa nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích- Ảnh 3.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Sở đã xây dựng kế hoạch và tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đấy, chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương, đặc biệt là những địa phương có nhiều di tích xuống cấp để khảo sát và xây dựng kế hoạch báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy để có những lộ trình triển khai, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, phát huy tối đa giá trị của di tích".

Di tích là nơi lưu giữ một phần lịch sử, văn hóa của một vùng đất, nơi lưu dấu những câu chuyện về quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Bởi vậy, gìn giữ, phát huy giá trị của di tích là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ hôm nay; qua đó, thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, lòng biết ơn với các thế hệ tiền nhân.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 8/3