Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số để nâng cao các chỉ số PAPI, PAR INDEX và SIPAS
Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 vừa được công bố, Thanh Hóa tiếp tục xếp thứ 3 cả nước với tổng số 46 điểm. Cùng với đó, năm 2022 Thanh Hóa xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) - tăng 19 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 10 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) – tăng 4 bậc so với năm 2021. Kết quả ấn tượng này là cả một chặng đường dài không ngừng nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, việc các địa phương nỗ lực trong công tác chuyển đổi số cũng đã góp phần rất lớn để Thanh Hóa nâng cao các chỉ số.
Cử cán bộ xã, thôn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng kí tài khoản định danh điện tử... Hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại để theo dõi và nhận kết quả thủ tục hành chính... Đây là những cách làm mà các địa phương trên địa bàn huyện Nông Cống đang triển khai để nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử từ cấp cơ sở, dần hình thành cho người dân thói quen sử dụng các dịch vụ, tiện ích số cơ bản, giúp người dân tham gia vào các giao dịch hành chính trên môi trường mạng một cách dễ dàng hơn.
Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của Thanh hóa đã có bước đột phá quan trọng khi đội ngũ cán bộ các cấp đã thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc. Cán bộ, công chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến tổ chức, người dân. Công tác chỉ đạo điều hành, xử lý công việc được thực hiện trên môi trường điện tử, đảm bảo sự công khai minh bạch. Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với hơn 600 điểm cầu từ cấp tỉnh xuống cấp xã, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.
Với sự nỗ lực đầu tư hạ tầng công nghệ, tích cực chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công mà nhiều chỉ số thành phần trong PAPI, PAR INDEX của Thanh Hóa đạt điểm cao, như chỉ số về Thủ tục hành chính công trong PAPI đứng thứ 6 cả nước; chỉ số Hiện đại hóa hành chính trong PAR INDEX đứng thứ 10 cả nước.
Hiện nay, 100% các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử như một kênh thông tin chính thức của địa phương. Đồng thời triển khai rộng rãi kênh phản hồi Thanh Hóa (bắn chữ trên màn hình: http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn) và sử dụng các phần mềm, nhóm chung trên điện thoại để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân đối với cách làm việc của cán bộ cũng như cấp ủy chính quyền. Chính vì vậy, trong kết quả Chỉ số SIPAS của Thanh Hóa năm 2022 vừa rồi, các chỉ số về mức độ hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị xếp thứ 8 cả nước.
Những thứ hạng cao về chỉ số PAPI, PAR INDEX và SIPAS của Thanh Hóa là minh chứng cho sự tiếp thu, cố gắng của cấp ủy chính quyền các cấp trong công tác cải cách hành chính và cũng là sự ghi nhận khách quan của người dân đối với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ đang thực thi nhiệm vụ. Thanh Hóa xác định công tác cải cách hành chính gắn với việc duy trì, cải thiện và nâng cao chất lượng, thứ hạng các Chỉ số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Nỗ lực chuyển đổi số sẽ góp phần rất lớn trong công tác cải cách hành chính, mang lại hiệu quả rõ rệt, nhanh chóng trong quản trị và hành chính công, đem lại lợi ích thiết thực và sự hài lòng cho Nhân dân.