Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp

10:21 - 24/01/2023

Cùng với sự phát triển của công nghệ trên toàn thế giới, chuyển đổi số ở Việt Nam là tất yếu khách quan, yêu cầu cấp bách, bắt buộc, và mọi chính sách, hoạt động liên quan chuyển đổi số đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Không nằm ngoài xu thế đó, tiến trình chuyển đổi số tại tỉnh Thanh Hóa đã và đang chuyển biến mạnh mẽ, trong đó người dân và doanh nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực vừa là đối tượng thụ hưởng.

Chuyển đổi số được thực hiện trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Tại Thanh Hóa, năm 2022 việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ các cấp từ tỉnh đến địa phương đã thay đổi nhận thức, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cung cấp 875 dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4; tiếp nhận hơn 917.000 hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 98%. Đến nay, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh thuộc top đầu cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử.

Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Nhiệm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Vũ Đức Nhiệm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Những năm gần đây, các cấp chính quyền nỗ lực chuyển đổi số, thì các thủ tục từ thuế, đến thủ tục hành chính, các doah nghiệp đều nộp thông qua thông tin điện tử, đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chi phí. Việc nộp hồ sơ, chấp thuận các dự án đầu tư thì chúng tôi đều nộp qua hành chính công, như vậy rất là minh bạch. Sở ngành nào thực hiện không đúng thời gian thì là sẽ vi phạm, thì đấy là trong quản lý của tỉnh rất là tốt. Có ngày hẹn, ngày trả rõ ràng, giúp chúng tôi không phải đi lại giữa các sở ngành".

Để phát triển kinh tế số, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi số như: hỗ trợ hơn 66.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; hỗ trợ trên 552.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử… Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập hơn 4.200 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, bản, khu phố, với gần 14.500 thành viên tham gia, để đồng hành cùng người dân trong quá trình xây dựng xã hội số. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng về kiến thức công nghệ thông tin, được tập huấn, hướng dẫn cách truyền đạt đến bà con những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số. Đây chính là lực lượng nòng cốt, được huy động từ dân, lấy sức dân để lan tỏa mạnh mẽ chuyển đổi số trong Nhân dân.

Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Thanh Hóa xác định chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước, các cấp Chính quyền, mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, trong định hướng xây dựng Chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp đều lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, để người dân và doanh nghiệp là một phần không thể thiếu của quá trình chuyển đổi số.

Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp - Ảnh 4.

Ông Lê Xuân Lâm - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Ông Lê Xuân Lâm - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, cho biết: "Trong thời gian tới, trên cơ sở hướng dẫn của các bộ ngành và tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp các thủ tục hồ sơ để sớm tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về chuyển đổi số của tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2023, sở sẽ tham mưu hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn."

Kết quả bước đầu về chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hoá rất khả quan, đáp ứng tốt hơn yêu cần thiết yếu của người dân, doanh nghiệp. Năm 2023, Thanh Hóa đặt ra rất nhiều mục tiêu hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó có một số chỉ tiêu như: tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; mỗi hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều được trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh... Muốn thực hiện được những mục tiêu này, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và tham gia tích cực từ người dân, doanh nghiệp, đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số để đạt kết quả cao hơn.

Nguồn: THNM 24/1/2023