Thanh Hóa nỗ lực phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thanh Hóa phán đấu đến hết năm 2022, có 105.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành bảo hiểm xã hội và nguy cơ cao mục tiêu này rất khó thực hiện.

Lao động tự do nhiều, thu nhập lại bấp bênh, thiếu tính ổn định, nhiều người dân chưa hiểu rõ những chính sách, quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là những khó khăn trong việc phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn Thanh Hóa. Phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã khó, thì việc duy trì đối tượng đã tham gia cũng gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, khi áp dụng quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1/1/2022, mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện điều chỉnh theo hướng tăng thêm, đã tác động trực tiếp đến những người đang tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thanh Hóa nỗ lực phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 2.

Ông Vũ Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Vũ Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp khó khăn do mặt bằng chung kinh tế nhân dân không đều. Tỷ lệ người dân có việc làm không ổn định cũng là vấn đề khó tuyên truyền người ta tham gia".

Đến thời điểm này Thanh Hóa mới phát triển được hơn 80.000 so với mục tiêu 105.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết năm 2022, đạt tỷ lệ gần 80%. Ngành Bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan đang tích cực bám làng, bám bản, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giúp người dân hiểu về giá trị đích thực của Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các đại lý thu, các cộng tác viên, để mọi người thực hiện tốt tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia.

Thanh Hóa nỗ lực phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 3.

Thanh Hóa phán đấu đến hết năm 2022, có 105.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng. Người lao động tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Bởi vậy, người dân nên quan tâm, tích cực tham gia loại hình bảo hiểm này, nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động./. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 26/11