Thanh Hóa nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

20:22 - 26/06/2023

Chuyển đổi số được xác định với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó chính quyền số là trụ cột đầu tiên được xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử. Tại Thanh Hóa, các địa phương đã và đang tập trung triển khai chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý, giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước.

Cán bộ, công chức gửi, nhận, xử lý văn bản, ký duyệt hoàn toàn trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc. Công dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được cán bộ hướng dẫn cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan nhà nước khi trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ngoài bản giấy sẽ cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho công dân.

Thanh Hóa nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Những việc làm này đã trở thành thói quen của cán bộ, công chức ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu suất công việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch hành chính.

Anh Nguyễn Văn Đạo ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn cho biết việc sử dụng các công cụ trực tuyến đăng ký giấy tờ sẽ rất nhanh, người dân ở nhà cũng có thể đăng kí được những bước cơ bản. Thứ hai là cán bộ trả hồ sơ cũng nhanh và có trả thêm cả bản điện tử để mình lưu trữ rất thuận tiện, tránh việc quên hay mất dữ liệu. Ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cho biết hồ sơ công việc được gửi trên môi trường mạng có lưu thời gian rất rõ ràng. Do vậy khi công chức hay lãnh đạo mà chậm trễ trong việc giải quyết cho công dân thì cán bộ lãnh đạo sẽ có biện pháp nhắc nhở. Hiện Ủy ban nhân dân xã còn có hệ thống đánh giá mức độ hoàn thành xử lý công việc của mỗi cán bộ công chức.

Thanh Hóa nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 3.

Xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi ở cả 3 cấp. Đến nay nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh đã tích hợp 19 hệ thống phần mềm để đảm bảo việc giải quyết hồ sơ công việc được đồng bộ, hiệu quả. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cung cấp 875 dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. 

Thanh Hóa nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 4.

Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với hơn 600 điểm cầu từ cấp tỉnh xuống cấp xã, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Nói về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương cho biết xã đã đầu tư phòng họp không giấy tờ, trang bị máy tính bảng cho cán bộ công chức để phục vụ công việc được tốt hơn. Xã cũng yêu cầu cán bộ công chức nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hiệu quả.

Thanh Hóa nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 5.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là ở cấp xã vẫn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực về công nghệ thông tin của cán bộ cấp xã còn hạn chế. Bên cạnh đó, do trình độ và thói quen của người dân vẫn sử dụng văn bản giấy nên tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn thấp...Vì vậy rất cần sự nỗ lực của các địa phương cũng như sự đồng hành của người dân trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử.

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 26.6.2023