Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại

21:31 - 01/02/2023

Ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện Thanh Hóa đã và đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.198 Hợp tác xã tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bên cạnh việc mở rộng các khâu dịch vụ để phục vụ sản xuất cho người dân, các Hợp tác xã đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị nông sản. Những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và Quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao; hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Huyện Thọ Xuân đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt được nhiều kết quả khả quan."

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. - Ảnh 4.

Ông Lê Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá

Ông Lê Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Thanh Hoá đã từng bước triển khai nhiều giải pháp để đạy được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương và doanh nghiệp được thu hút vào lĩnh vực này cũng đã có nhiều thành công."

Tại huyện Quảng Xương, nhằm phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã dày công nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Đến nay, Công ty đã liên kết với nhiều địa phương trong tỉnh để trồng rau má hữu cơ, đạt tổng diện tích đạt khoảng 100 ha. Các sản phẩm từ cây rau má cảu Công ty được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi sản xuất theo công nghệ cao tưới nhỏ giọt, trồng trong nhà lưới từ 3.000 - 3.500 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. - Ảnh 5.

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Từ những hiệu quả đạt được, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và tập trung phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm."

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa: ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm. 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tạo ra những sản phẩm công nghệ cao được xem là xu hướng tất yếu, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc. Vì vậy, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy: việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo xung lực mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Nguồn: Chuyên mục Phát triển kinh tế ngày 24/1/2023