Thanh Hóa phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

11:35 - 04/11/2023

Là tỉnh đất rộng, người đông, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nhiều làng nghề truyền thống đang được lưu giữ và cảnh sắc thiên nhiên nông thôn tươi đẹp trải dài từ miền biển, đồng bằng cho đến miền núi, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Do đó, vài năm trở lại đây, loại hình du lịch nông thôn đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch của tỉnh.

Huyện Bá Thước xác định vai trò của ngành du lịch là thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Từ đó, huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác quy hoạch về du lịch; lồng ghép chương trình ưu tiên nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới theo hướng đầu tư cho du lịch cộng đồng, sinh thái. Từ chương trình phát triển du lịch, tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được đẩy nhanh hơn. 

Thanh Hóa phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới để kêu gọi du khách vào phát triển du lịch. Khi có khách phát triển được du lịch góp phần tăng thu nhập cho người dân, để quay trở lại xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi xác định sản phẩm du lịch là sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới".

Thanh Hóa phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Thanh Hóa là địa phương có nhiều hồ, thác, sông suối cùng giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, đặc sắc là điều kiện lí tưởng để phát triển du lịch nông thôn. Do đó, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm lồng ghép phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Dựa trên điều kiện thực tế, mỗi địa phương lựa chọn loại hình du lịch khác nhau, như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án, dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch.

Thanh Hóa phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện đã tranh thủ các nguồn lực cấp trên cùng với nguồn lực huyện để đầu tư xây dựng các công trình du lịch trọng điểm ở một số đơn vị, kết hợp với các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, để tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan. Chúng tôi cũng tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn".

Thực tế cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch qua việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới thông qua tạo sinh kế, việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, miền núi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Do vậy, tháng 4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.

Thanh Hóa phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Từ hiệu quả bước đầu của chương trình phát triển du lịch nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khuyến khích người dân tham gia các mô hình kinh doanh, du lịch phù hợp. Qua đó, có thêm việc làm, thu nhập và tích cực hưởng ứng chương trình, hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.


Nguồn: Bản tin Thời sự trưa ngày 04/11/2023