Thanh Hoá: Quản lý, sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính

18:35 - 24/08/2023

Giai đoạn 2019 -2021, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất cả nước với 143 xã, phường, thị trấn. Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh giảm 76 đơn vị, đồng thời cũng phát sinh việc các công sở, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế bị dôi dư. Các cấp có thẩm quyền và chính quyền các địa phương tỉnh Thanh Hoá đã và đang triển khai đồng bộ các phương án để sắp xếp hiệu quả các công sản dôi dư này.

Theo tổng hợp từ Sở Tài chính, tính đến ngày 15/8, tỉnh Thanh Hoá đã sắp xếp, xử lý được gần 60% tổng số cơ sở nhà đất dôi dư, chỉ còn lại hơn 600 cơ sở nhà đất của 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có hơn 270 cơ sở là nhà văn hoá, 370 cơ sở là công sở, trường học, trạm y tế.

Thanh Hoá: Quản lý, sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính
 - Ảnh 2.

Thanh Hoá: Quản lý, sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính
 - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá, Sở Tài Chính Thanh Hoá

Ông Bùi Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá, Sở Tài Chính Thanh Hoá cho biết: "Số lượng tài sản dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản là dôi dư các nhà văn hoá, thôn, khối phố. UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển giao cho các địa phương tiếp tục sử dụng. Đối với số tài sản không còn sử dụng được thì các huyện đang chờ sự phê duyệt quy hoạch của sử dụng đất và quy hoạch về xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để xử lý tài sản dôi dư này".

Sở Tài chính cũng đã có đề nghị UBND xã các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khẩn trương rà soát, đánh giá đối với trụ sở, tài sản dôi dư để đưa vào sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Nguồn: Bản tin 18h30 ngày 24/08/2023