Thanh Hóa tăng cường giám sát kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn

21:27 - 14/11/2022

Những ngày vừa qua, theo phản ánh người dân, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hiện tượng bán hàng hạn chế, ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Để ổn định thị trường xăng dầu, các ngành chức năng mà nòng cốt là lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa đã và đang tăng cường giám sát, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Thanh Hóa là tỉnh có lượng tiêu thụ xăng dầu lớn, chiếm tới 5% sản lượng tiêu thụ của cả nước. Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh tăng cao hơn các tháng trước, trong khi nguồn cung trong cả nước gặp khó khăn đã dẫn tới xuất hiện tình trạng một số cây xăng bị thiếu hụt cục bộ, hoặc hết hàng tạm thời, hiện tượng bán hàng hạn chế xảy ra, tập trung ở các đại lý hoặc doanh nghiệp nhượng quyền thương mại.

Thanh Hóa tăng cường giám sát kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc công ty TNHH Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc công ty TNHH Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đối với cửa hàng xăng dầu tư nhân, tức là cửa hàng mà không có công ty mẹ là các đầu mối nhập hàng, hiện tại đang rất khó khăn về nguồn hàng. Ngoài việc thường xuyên không có chiết khấu, thậm chí không có hàng để phục vụ khách hàng...Nếu tình trạng này kéo dài, công ty sẽ phải đóng cửa, trước tiên là phải đóng cửa hai cửa hàng là Hải An, và Trúc Lâm. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng công ty sẽ phải đóng cửa toàn bộ hệ thống cả 4 cửa hàng".

Nguyên nhân xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ tại Thanh Hóa là do các doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, trong khi nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước chỉ bảo đảm 70 - 80 nhu cầu thị trường. Điều này khiến một số cửa hàng hết xăng dầu cục bộ hoặc chưa nhập về kịp. 

Thanh Hóa tăng cường giám sát kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn - Ảnh 3.

Các ngành chức năng yêu cầu: các cửa hàng xăng dầu không còn đủ lượng để duy trì hoạt động do nguồn cung khan hiếm phải báo cáo, có văn bản xin ngừng bán hàng gửi các ngành chức năng để được chấp thuận. Cửa hàng xăng dầu nào dừng hoạt động quá 30 ngày sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Lực lượng Quản lý thị trường đang tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu, tăng cường kiểm soát, kiểm tra , xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Thanh Hóa tăng cường giám sát kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Đại - Phó đội trưởng đội QLTT số 8, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Đại - Phó đội trưởng đội QLTT số 8, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Cục, đội số 8 tuyên truyền phố biến pháp luật, để các đơn vị chấp hành. Tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn ba huyện ký cam kết, thực hiện đúng thời gian bán hàng. Đội số 8 tiếp tục giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được giao quản lý".

Thanh Hóa hiện có 343 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu với 577 cửa hàng bán lẻ và 16 tàu dầu hoạt động bán lẻ trên biển. Toàn tỉnh có 6 kho chứa xăng dầu đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động với sức chứa 212.250m2 đủ khả năng dự trữ để cung cấp xăng dầu cho các hoạt động sản xuất, lưu thông. 

Thanh Hóa tăng cường giám sát kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, với các chính sách điều hành của Nhà nước, hoạt động giám sát, kiểm tra quyết liệt của các lực lượng chức năng, việc thiếu hụt xăng dầu chỉ là cục bộ, không có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung cấp. Vì vậy, ngành chức năng cũng khuyến nghị người tiêu dùng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu không nên hoang mang, tích trữ xăng dầu, làm ảnh hưởng tới thị trường.

Nguồn: Hộp thư truyền hình 14/11/2022