Thanh Hóa: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(TTV) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn là một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải thiện chất lượng điều hành, cải cách hành chính.


Trong năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), huyện Vĩnh Lộc chỉ đạt 43,86 điểm, xếp thứ 26/27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. Trước thực tế này, huyện đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia để nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình. Từ đó, có những giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, huyện quyết tâm tập trung các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần như tính minh bạch, tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.

Thanh Hóa: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh 2.

Vĩnh Lộc tổ chức hội nghị thảo luận thúc đẩy cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh

Ông Vũ Hùng Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết hồ sơ thủ tục nhanh gọn, tạo điều kiện nhất về thủ tục hành chính, đất đai, cũng như các vấn đề khác để doanh nghiệp phát triển".

Thanh Hóa: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh 3.

Trên cơ sở nhìn nhận lại các chỉ số thành phần DDCI năm 2021 đều ở nhóm chưa tốt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, công chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc "4 tăng, 2 giảm, 3 không" trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công bố đầy đủ các thủ tục, thông tin liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Đặc biệt, với vai trò chủ trì, tham mưu cho tỉnh trong cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, Sở cũng đã rà soát, công công khai tất cả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Bà Trần Thị Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và dịch vụ môi trường Vina green cho biết thêm: về thủ tục đất đai, liên quan đến môi trường chúng tôi được nắm rõ, kịp thời dựa trên kênh thông tin đăng tải trên mạng, quy hoạch đất đai được nắm bắt kịp thời, thủ tục đơn giản, các cán bộ chuyên viên hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết.

Thanh Hóa: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh 4.

Năm 2021, chỉ số thành phần tính năng động của chính quyền tỉnh trong PCI đạt 6,75 điểm - cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc so với năm 2020. Ngày càng có nhiều dự án lớn được đầu tư vào Thanh Hóa cho thấy tỉnh đã có những chuyển biến rất mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 của tỉnh đã giảm 15 bậc so với năm 2020, xếp thứ 43 trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng (SIPAS) đứng thứ 24/63 tỉnh, thành, giảm 11 bậc so với năm 2020. Nhiều chỉ số thành phần giảm điểm như gia nhập thị trường; cạnh tranh bình đẳng; chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tục hành chính công. Từ thực tiễn này, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa khuyến nghị tỉnh cần tiếp tục nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là ở cấp sở, ngành, cấp huyện, thị thành phố và từng cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ.

Nâng cao trình độ ý thức giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp của cán bộ công chức nhà nước là cái cốt yếu nhất, ngoài nâng cao trách nhiệm thực thi của cán bộ công chức thì người đứng đầu của đơn vị cũng phải là người sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những chỉ số thành phần tỉnh giao nhiệm vụ.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa

Với mục tiêu đưa Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), và Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Theo Bản tin THNM, 11/8

Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa