Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may

21:15 - 07/12/2023

Những năm qua, Thanh Hóa đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lặc là địa phương có vị trí giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Vì thế, những năm gần đây, Ngọc Lặc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có lĩnh vực dệt may. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có 3 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào ngành dệt may với tổng số vốn lên tới trên 500 tỷ đồng. Hiện, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 5 ngàn lao động địa phương, với thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/ người/ tháng.

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc điều hành Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc điều hành Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa là doanh nghiệp FDI, 100% vốn của Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn Ngọc lặc đầu tư bởi lao động dồi dào, quá trình đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi của phòng, ban… Hiện, nhà máy tạo việc làm cho 3 ngàn lao động với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng".

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Tiếp, Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trước đây, tôi làm công ty may mặc ở Sài Gòn. Từ ngày, Ngọc Lặc có công ty may, tôi đã về đây làm. Tôi gắn bó với công ty này được 8 năm rồi. Nhìn chung, mức thu nhập tương đối ổn định, thu nhập 7-8 triệu/tháng. Mức lương khá hợp lý, các phòng ban quan tâm tới chúng tôi. Làm ở gần nhà nên tôi mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty hơn".

Còn tại huyện Yên Định, ngành dệt may cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện tại, trên địa bàn có 6 doanh nghiệp và trên 10 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho gần 6 ngàn lao động. Nhìn chung, các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện Yên Định nói chung và lĩnh vực dệt may nói riêng đều nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 3.

Ông Trịnh Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Định Tân có 3 xưởng may, thu hút gần 300 lao động. Đảng ủy chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng, quy hoạch và tới đây, chúng tôi đang quy hoạch 1 nhà máy may của Công ty 27 với tổng diện tích là 5ha trên đường tỉnh lộ 516B. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho người địa phương, các xã thu nhập, tăng thu nhập, góp phấn phát triển kinh tế địa phương".

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 4.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Thanh Hoá

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tập đoàn Tiên Sơn chúng tôi hiện nay có 10 nhà máy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tại Yên Định chúng tôi có 2 nhà máy là tại Định Liên và Quý Lộc. Có thể nói khu vực Yên Định và các huyện lân cận lao động rất dồi dào và đặc biệt là cơ chế và sự hỗ trợ của địa phương cấp huyện, cấp tỉnh rất là tốt".

Ông Lê Văn Dũng, Công ty TNHH dệt kim Jasan Thanh Hóa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Các cấp lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ cho Jasan Thanh Hóa về tuyển dụng lao động và an ninh. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho hơn 1.400 lao động. Lương công nhân làm việc tại đây là 6.5 triệu/tháng. Công ty đang phát triển giai đoạn 2 và có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương".

Với định hướng thu hút phát triển lĩnh vực dệt may nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động, các địa phương trong tỉnh đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Cùng với việc tạo điều kiện về mặt bằng, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh - trật tự, tạo tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 5.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Tỉnh Thanh Hóa thứ nhất là rất gần thủ đô Hà Nội và đặc biệt là gần cảng Hải Phòng xuất khẩu hàng dệt may 24/24, đó là điều thuận lợi. Thứ 2, đối với Thanh Hóa, nguồn nhân lực, nhất là lao động cho ngành dệt may, lao động phổ thông đang vẫn còn, thậm chí là dư thừa, phải đi các tỉnh khác mà làm. Đó là 2 yếu tố mà các nhà đầu tư lựa chọn Thanh Hóa lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Các địa phương có nhà máy may đều hỗ trợ rất tốt và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai công tác xây dựng, quản lý điều hành và an ninh trật tự trên địa bàn để các doanh nghiệp phát triển".

Ông Lê Nho Thắng, Giám đốc xưởng ves Công ty TNHH Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tỉnh Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa nói chung, công ty quyết định đầu tư bởi nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề cao. Tính đến hiện nay, công ty có 1.200 lao động, thuận lợi có sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương. Đi vào hoạt động được hơn 10 năm, tới đây sẽ mở thêm dây truyền".

Thanh Hóa hiện có khoảng gần 300 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dệt may. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may đều đẩy mạnh phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường; đồng thời tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điểm nhấn trong hoạt động của ngành dệt may Thanh Hóa là nhiều doanh nghiệp tích cực tham dự các Hội chợ thương mại quốc tế, ký kết xúc tiến thương mại với nhiều đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, năm 2022, toàn tỉnh sản xuất và xuất khẩu được gần 367 triệu sản phẩm may mặc. Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng dệt may xuất khẩu của Thanh Hóa đạt gần 330 triệu sản phẩm.

Thanh Hóa thu hút đầu tư vào dệt may- Ảnh 6.

Có thể khẳng định, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Thanh Hóa không những góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại ngày 07/12/2023