Thanh Hóa triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể

15:33 - 17/09/2022

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thực sự chuyển biến theo hướng ổn định và vững chắc, phát triển đa dạng và hiệu quả hơn. Ngày 16/6/2022 Ban chấp hàng trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở các nội dung của nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả nghị quyết trên.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đến nay lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh được quan tâm củng cố, đổi mới và phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 2930 tổ hợp tác, 1.264 hợp tác xã bao gồm: 789 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 259 hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại, 66 Quỹ Tín dụng nhân dân, 33 hợp tác xã giao thông vận tải ...vv đã góp phần đưa Thanh Hóa trở thành địa phương có số lượng hợp tác xã trong tốp đầu cả nước. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tiếp tục thể hiện được vai trò hỗ trợ tích cực, tạo mối liên kết, hợp tác, phát huy năng lực sản xuất đối với kinh tế thành viên, hộ thành viên

Thanh Hóa triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể - Ảnh 2.

Thanh Hóa hiện có 789 hợp tác xã nông nghiệp. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã phát triển đa dạng về hình thức và quy mô, góp phần quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Nhiều hợp tác xã đã huy động thêm vốn, mở rộng đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để được cung cấp dịch vụ, ứng trước phân bón, giống mới, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Toàn tỉnh có 413 hợp tác xã tham gia liên kết bền vững, chiếm 59,1% số hợp tác xã nông nghiệp, 70 hợp tác xã ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất, có 36 chủ thể OCOP là các HTX. Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phú Lộc cho biết: " Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã tạo động lực quan trọng để các hợp tác xã tập trung đổi mới nâng cao năng lực hoạt động. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư liên kết sản xuất với các thành phần kinh tế khác để tăng thu nhập cho xã viên".

Thanh Hóa triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể - Ảnh 3.

Bằng việc khơi dậy động lực, phát huy sức mạnh nội lực gắn liền địa bàn dân cư và dựa vào cộng đồng, các đơn vị kinh tế hợp tác xã đang ngày càng khẳng định sức hút và vai trò của mình vì sự phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà. Hiện nay tổng số thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã toàn tỉnh là trên 192 nghìn thành viên. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 6,825 tỉ đồng 1 năm, gấp 8,6 lần so với năm 2001. Thu nhập bình quân của thành viên trong hợp tác xã đạt 46 triệu đồng/năm gấp 10,8 lần 2001 và lợi nhuận bình quân của hợp tác xã đạt 250 triệu đồng 1 năm gấp 11,9 lần năm 2001. Lĩnh vực kinh tế hợp tác xã đã đóng góp cho tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 1,13%. Ông Hoàng Ngọc Quy – Phó Giám đốc hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn cho biết: "Chúng tôi tập trung đầu tư các trang thiết bị kĩ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của hợp tác xã ra các huyện vùng ven".

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá lại kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ngày 16/6/2022, Ban chấp hàng Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Trên cơ sở Nghị quyết số 20, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị, trong đó tập trung đưa khu vực kinh tế tập thể của Thanh Hóa phát triển năng động, hiệu quả và bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho các hộ thành viên nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi.

Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 1280 hợp tác xã trở lên, trong đó có 825 hợp tác xã nông nghiệp, 455 hợp tác xã phi nông nghiệp, có 5 liên hiệp hợp tác xã đa ngành. Hằng năm có 60% số hợp tác xã xếp loại khá trở lên, tổng số vốn hoạt động của hợp tác xã và lợi nhuận mỗi năng tăng 5%; có trên 30% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, trên 85% hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác. Đặc biệt, mục tiêu tổng quát là đến năm 2045, Thanh Hóa thu hút tối thiểu 20% dân số toàn tỉnh tham gia vào lĩnh vực kinh tế tập thể, đảm bảo tối thiểu 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 20 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là tập trung đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành và nhân dân về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể; UBND tỉnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể mang tính đặc thù phù hợp với phát triển của lĩnh vực và khả năng cân đối về nguồn vốn của ngân sách tỉnh. Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, trong đó giải quyết dứt điểm các tổn đọng, yếu kém của lĩnh vực này và khuyến khích việc tăng vốn và huy động vốn từ các thành viên. 

Anh Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc hợp tác xã công nghiệp thương mại Linh Sơn huyện Hà Trung bày tỏ kì vọng Nghị quyết 20 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về cơ chế đất đai, vốn để các hợp tác xã có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Văn Kiên- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXDVNN Kiên Thọ huyện Ngọc Lặc cũng cho biết: "Chúng tôi đầu tư trên 2 tỉ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng nhà lưới, hiện nay chúng tôi chỉ mới được thuê đất 5 năm một nên rất khó khăn để đầu tư liên kết với các đơn vị khác. Vì vậy đề nghị tỉnh có cơ chế cho thuê đất lâu dài để các hợp tác xã yên tâm đầu tư".

Trên cơ sở Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Liên minh hợp tác xã Thanh Hóa cũng đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành viên. Khuyến khích các thành viên chủ động mở rộng quan hệ với các thành phần kinh tế khác để tranh thủ nguồn tài chính, kỹ thuật cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trên nguyên tắc bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức các lớp đào tạo về năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã. Vận động các hợp tác xã cùng ngành, nghề, lĩnh vực tham gia thành lập các Liên hiệp hợp tác xã để tăng quy mô và sự gắn kết giữa các thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả theo định hướng, thế mạnh sản phẩm của vùng, miền, địa phương. Xây dựng mô hình hợp tác xã tiên tiến gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực để nhân rộng.

Thanh Hóa triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Với chức năng, nhiệm vụ được giao Liên minh hợp tác xã tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kinh tế tập thể, thực hiện có hiệu quả 2 đề án được tỉnh phê duyệt, đồng thời nâng cao vai trò tham mưu, hỗ trợ kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tín hỗ trợ hợp tác xã".

Việc xây dựng kế hoạch, các chương trình hành động của tỉnh và các cấp các ngành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" đang tạo nhiều thuận lợi mới để lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục đổi mới và phát triển vững mạnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên, đóng góp cho phát triển chung của tỉnh nhà.

Nguồn: Chuyên mục Xây dựng Đảng ngày 16.9