Thanh Hoá triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển

08:46 - 24/12/2022

Với hơn 100 km bờ biển và 881 km sông ngòi, tại Thanh Hóa thời gian qua, sóng biển, triều cường và mưa lũ xâm thực gây sạt lở nhiều khu vực bờ sông, bờ biển, uy hiếp đến sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận dân cư. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Vào tháng 6, tháng 7.2022, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh và dòng chảy cửa Lạch Hới phức tạp, nên bờ biển khu vực thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá đã bị sạt lở, xâm thực rất mạnh. Hậu quả, làm mất đất sản xuất và đất ở của các hộ dân ven biển trên chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng trung bình khoảng 75 m. Trong đó đã sạt lở đất ở 3 hộ dân và ảnh hưởng đến khuôn viên, trụ sở làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản nhất trí đề xuất của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển nêu trên theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Theo đó, Thanh Hóa sẽ dành 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Hoằng Hóa xây dựng tuyến kè tường đứng dài khoảng 1,5 km và đoạn vuốt nối với công trình hiện tại có chiều dài khoảng 120m.

Thanh Hoá triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển - Ảnh 2.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 50 vị trí và các khu vực sạt lở nguy hiểm, khi xảy ra mưa lớn bất thường sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến công trình, tài sản, tính mạng của người dân; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 có 35 công trình, vị trí cần được ưu tiên xử lý, khắc phục khẩn cấp. Trước thực tế này, tỉnh đã gấp rút triển khai "Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030"; trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, đồng thời tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh bố trí gần 550 tỷ đồng từ ngân sách cùng các nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ở an toàn. Năm 2022, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp 14 tuyến kè bờ sông Mã, sông Bưởi, sông Chu, sông Lèn để phòng chống thiên tại, hạn chế sạt lở. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát.

Thanh Hoá triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hoá triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Thời gian qua chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp phòng chống sạt lở, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục theo dõi để có biện pháp khắc phục nhanh nhất các sư cố".

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương có vị trí sạt lở cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, đồng thời dùng máy múc bạt taluy, đóng cọc tre để hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải bố trí kinh phí kè bê tông các điểm sạt lở nghiêm trọng tại các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Hòa, thị trấn Vĩnh Lộc ( huyện Vĩnh Lộc), các xã Yên Trường, Quý Lộc, Định Hảỉ, Yên Thái (huyện Yên Định) và xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương). Trước những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai./. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 24/12