Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao

17:26 - 21/04/2023

Thanh Hoá hiện có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản. Để phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nhiều hộ nuôi đã đổi mới phương thức nuôi tôm từ truyền thống sang công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gắn bó với nghề nuôi tôm từ năm 2012 với hình thức nuôi quảng canh, rồi sang bán thâm canh và thâm canh, năm 2020, anh Hồ Văn Dương, xã Hải Châu, thị xã Nghi Sơn quyết định đầu tư toàn bộ 6,15ha diện tích sang nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình Gro-Farm. Đây là công nghệ nuôi tôm hiện đại nhất ở thời điểm hiện tại, toàn bộ 30 ao nuôi tôm thương phẩm được anh đầu tư mái che để không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, các ao nuôi đều được thiết kế theo hình phễu, xử lý môi trường ao nuôi bằng công nghệ vi sinh và hệ thống lắng lọc tuần hoàn nên tôm khoẻ và mang lại hiệu quả kinh tế cao:

Anh Hồ Văn Dương, Xã Hải Châu, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Công nghệ cao là mô hình nuôi khép kín, từ xả thải đế nuôi, bên mình áp dụng nuôi trong nhà 100% nên không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Hiệu quả kinh tế mang ại bền vững, trước đây nuôi thâm canh hiệu quả thấp, nuôi công nghệ cao rủi ro thấp lại, thu nhập trừ chi phí 1 tỷ/1 ha/vụ."

Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 2.

Nuôi tôm công nghệ cao với kỹ thuật tiên tiến, hệ thống mái che giúp điều hòa được nhiệt độ, đặc biệt giữ được nhiệt độ phù hợp với con tôm trong mùa đông, mùa hè lại hạn chế được thời tiết nắng nóng, giúp con tôm khoẻ trong mọi thời tiết. Hiện, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã phát triển được hơn 200 ha nuôi tôm công nghệ cao tập trung ở các xã Thanh Thủy và phường Hải Châu, cho năng suất từ 25-30 tấn/ha/vụ, hàng năm có thể nuôi tới 4 đến 5 vụ, cho doanh thu từ 3-3,5 tỷ đồng/ha.

Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 3.

Ông Lê Thế Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Ông Lê Thế Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nuôi tôm công nghệ cao xã Thanh Thuỷ được nhà nước đầu tư hỗ trợ trên 55 tỷ đồng, nâng cấp ao chứa, ao thải, trạm bơm, dự án đến nay hoàn thành và sử dụng có hiệu quả . Đầu năm 2020 nghị quyết là 500 tấn sảng lượng nuôi trồng thuỷ sản nhưng năm 2022 hơn 580 tấn, vượt kế hoạch đề ra, năm 2023 chúng tôi có mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản đạt hơn 600 tấn."

Tại Hợp tác xã Nuôi trồng thuỷ sản xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá, tính đến thời điểm này, đã có 22ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, 18ha nuôi tôm trong nhà màng ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hiện nay, nuôi tôm trong ao nổi có mái che đang được các hội viên trong hợp tác xã quan tâm đầu tư. Đây là hình thức mang lại hiệu quả bền vững về mặt kinh tế cũng như môi trường với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách nuôi truyền thống.

Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 4.

Tháng 3/2022, anh Trần Ngọc Tú bắt đầu đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 4,8 ha, hiện anh mới xây dựng được 10 ao nuôi, mỗi ao 600 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Công nghệ nuôi tôm được gia đình anh áp dụng là theo tiêu chuẩn CP. Nguồn giống, thức ăn, men xử lý nước cũng được anh sử dụng các sản phẩm uy tín của công ty CP và Việt úc. Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, anh Tú đã áp dụng thực hiện theo 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 20 - 30 ngày, quá trình tôm phát triển sẽ được san ao để giảm dần mật độ nuôi. Ban đầu thả với mật độ 1.000 con/1m2, sau đó san ao giảm xuống 500 con/1m2, 250 con/1m2 và giai đoạn cuối khoảng 100 con/1m2. Với hình thức nuôi này, lợi nhuận thu về mỗi vụ gần 1 tỷ đồng.

Trần Ngọc Tú, Xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng thâm canh, kiểm soát được khí hậu và môi trường, với chi phí bỏ ra hiện nay chúng tôi đang lợi nhuận khoảng 40% tương đương 800-1 tỷ đồng mỗi vụ. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng Farm nuôi của mình, trong 3 tháng tới chúng tôi tiếp tục xây dựng, hiện đang triển khai thi công mặt bằng."

Theo các hộ nuôi tôm công nghiệp, để đầu tư được cơ sở vật chất hoàn thiện cho 1 ha nuôi tôm công nghệ cao phải mất từ 3- 4 tỷ đồng. Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao sử dụng hệ thống ao lắng với diện tích lớn, 1 ha ao nuôi có mái che, cần sử dụng tới 3 ha ao lắng, nên nguồn nước cung cấp bảo đảm an toàn, kiểm soát dịch bệnh tốt.

Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 5.

Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 4.100 ha diện tích nuôi tôm, trong đó, tôm sú diện tích nuôi 3.450 ha, sản lượng 700 tấn; tôm thẻ chân trắng thâm canh diện tích nuôi 585 ha, sản lượng hơn 11.300 tấn tấn. Điều đó để thấy rằng, diện tích nuôi tôm sú lớn hơn 5,3 lần diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng sản lượng thu được trong nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại vẫn cao hơn 16, 1 lần. Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đã rõ nên tại các địa phương như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn…các hộ nuôi đang chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình kỹ thuật hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn trong nuôi tôm an toàn thực phẩm.

Thanh Hoá ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 6.

Ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Thanh Hóa

Ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Thanh Hóa chia sẻ: "Trong thời gian tới việc ứng dụng các công nghệ trong nuôi tôm tiếp tục được nghiên cứu, triển khai như xử lý nước, môi trường, vi sinh, ứng dụng các thiết bị thông minh trong xử lý nước, cảnh báo quan trắc môi trường sẽ được triển khai tại các hộ, làm sao để nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu cao và bền vững với môi trường."

Theo kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Thanh Hóa, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt trên 4.700 ha, phấn đấu tổng sản lượng tôm nuôi đạt 10.700 tấn, giá trị sản xuất trên 1.500 tỷ đồng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi… là những điều kiện quan trọng để nâng cao năng suất, giá trị cho các vùng nuôi. Đây cũng là giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững sản phẩm chủ lực trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 21/04/2023