Thanh niên với mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

20:13 - 18/03/2023

Với mong muốn đưa thực phẩm an toàn tới đông đảo người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để xây dựng 1 thương hiệu riêng, năm 2017, anh Nguyễn Tiến Phúc quyết định khởi nghiệp bằng việc sản xuất nước mắm từ cá trích. Nghề làm nước mắm không mới ở thành phố Sầm Sơn, do vậy để tạo nên 1 thương hiệu riêng được nhiều người biết đến không hề dễ dàng. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm tại quê nhà, anh Phúc đã đi khắp những nơi có nghề truyền thống làm nước mắm trong cả nước để tham khảo, xác định hướng đi riêng cho mình. Sau thời gian tìm hiểu, anh quyết định sản xuất nước mắm cá trích theo phương pháp đánh đảo ủ chược trong chum đất nung không tráng men. Với phương pháp này, anh đã tạo nên sản phẩm nước mắm mang đặc trưng riêng, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. 

Thanh niên với mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn - Ảnh 2.

Năm 2021, sản phẩm nước mắm thương hiệu Bông Sen của anh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Nguyễn Tiến Phúc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Hồng Phúc chia sẻ ngay từ khâu đầu vào, chúng tôi chọn nguyên liệu cá tươi nhất, nguyên liệu ủ chược và vệ sinh hằng ngày cũng được chăm sóc kĩ càng để tạo sản phẩm mang thương liệu riêng, tự hào là sản phẩm mắm sạch của thành phố Sầm Sơn.

Với sức trẻ, quyết tâm và sự sáng tạo, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã xây dựng thành công hàng chục mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đang phát huy hiệu quả tốt. Những bạn trẻ là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đều đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, cách làm mới để tạo nên sự khác biệt trong từng sản phẩm. Ngoài ra, việc áp dụng các chiến lược maketting, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng công nghệ số đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng, dần làm thay đổi cách suy nghĩ và lựa chọn thực phẩm của người dân, giúp họ chú trọng hơn tiêu chí vệ sinh, an toàn.

Thanh niên với mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn - Ảnh 3.

Anh Lê Minh cương, Giám đốc Công ty Spico, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, tôi cũng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, vùng nguyên liệu được chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap, khu sản xuất được chứng nhận HACCP, chúng tôi cũngđầu tư máy móc để sản phẩm ra đời được đồng đều nhất". Anh Trương Văn Chung, chủ cơ sở sản xuất nem Sinh Tuyến ở thành phố Thanh Hóa cũng cho biết: "Trước thủ công, bây giờ mình đầu tư máy móc, sản xuất an toàn, sạch sẽ hơn, mình còn đầu tư máy hút chân không để bảo quản sản phẩm tổ hơn, đưa ra thị trường sẽ sang trọng, sạch sẽ để người tiêu dùng yên tâm hơn".

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1 triệu đoàn viên, thanh niên. Đây là lực lượng lao động đang có mặt trên tất cả lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm và tiêu dùng. Việc đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch không chỉ truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp cho giới trẻ, mà còn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, tạo sức lan toả trong cộng đồng dân cư về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 28.3.2023