Thành phố Thanh Hóa gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội mùa Xuân

21:46 - 13/03/2024

Lễ hội mùa xuân từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân thành phố Thanh Hóa. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy qua bao đời, là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa linh thiêng gắn với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Hàng năm, vào các ngày từ 16 - 17/2 (tức 7 - 8 tháng Giêng), những người con của phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa đi làm ăn, sinh sống ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc lại nô nức trở về quê hương thành tâm dâng lễ nhớ ơn vị Thành hoàng làng đã có công đánh giặc giúp nước, lập làng, đem lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân. Lễ hội Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Nguyễn Phục là Lễ tế Đông Hải đại vương - Thành Hoàng làng Nguyễn Phục, Sầm Quận công Lê Hưng được người dân phường Quảng Thắng tổ chức hàng năm ghi nhớ công lao to lớn của Đại Vương Nguyễn Phục đối với Nhân dân nơi đây.

Về dự lễ hội, bà con Nhân dân và du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ, các tiết mục biểu diễn đặc sắc tại lễ rước, tế Đông Hải đại vương - Thành Hoàng làng Nguyễn Phục và tổ tiên các dòng họ, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Thành phố Thanh Hóa gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội mùa Xuân- Ảnh 1.

Ông Lê Anh Tuấn, người con phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Được sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo thành phố nên Lễ hội Nguyễn Phục năm nay của phường Quảng Thắng chúng tôi đã được nâng lên rất là rõ ràng, rất chỉn chu, rất khoa học và rất bài bản, tạo nên những không khí nét xuân vô cùng đặc sắc trong Nhân dân của địa phương chúng tôi". Ông Nguyễn Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Ngay từ trong năm đã triển khai kế hoạch luyện tập để chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội vào đầu năm, tạo không khí vui tươi cho bà con Nhân dân đón Tết. Đây là nét văn hóa truyền thống được duy trì hàng năm của địa phương, được bà con Nhân dân rất đồng tình ủng hộ".

Trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Lễ hội Thái Miếu Nhà Hậu Lê được tổ chức. Bà con Nhân dân và hàng nghìn du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương, tế Miếu tỏ lòng thành kính, tri ân Đức Lê Thái Tổ, các vị liệt thánh Hoàng Đế, các vị Hoàng Thái Hậu, các vị vương công, triều thần nhà Hậu Lê đã có công lao to lớn đối với đất nước và Nhân dân. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thu hút hàng nghìn du khách thập phương và Nhân dân tham gia.

Thành phố Thanh Hóa gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội mùa Xuân- Ảnh 2.

Ông Trương Hoàng Tuấn, Trưởng Ban quản lý Thái Miếu Nhà Hậu Lê: "Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch lễ hội từ rất sớm, do vậy công tác chuẩn bị cũng khá là chu đáo, nghiên cứu phục dựng nghi thức lễ và lễ hội Thái Miếu nhà Hậu Lê gắn với phát triển du lịch đã được nghiệm thu. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc tổ chức lễ hội cũng rất gắn bó và thường xuyên".

Thành phố Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ. Với khoảng 36 lễ hội trong năm và phần lớn là lễ hội truyền thống được tổ chức vào đầu xuân năm mới đã tạo nên một không gian lễ hội linh thiêng xen lẫn sự náo nhiệt, tươi vui của những ngày đầu năm mới trên khắp các phường, xã trên địa bàn thành phố.

Với những giá trị quý báu và sức sống bền bỉ trong đời sống của người dân, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa riêng của mỗi địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con xứ Thanh nói chung, thành phố Thanh Hóa nói riêng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đất Hạc Thành.

Nguồn: Chuyên mục Truyền hình thành phố Thanh Hóa ngày 28/2/2024