Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng

09:47 - 15/08/2022

(TTV) - Tình hình lạm phát gia tăng trên toàn cầu và ảnh hưởng xung đột chiến tranh giữa Nga và Ucraina đang khiến thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ và lâm sản tại Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng sụt giảm nghiêm trọng.

Giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Từ tháng 7 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản tại Thanh Hóa đã phải giảm công suất, thậm chí hoạt động cầm chừng để tìm giải pháp ứng phó với những khó khăn về thị trường.

Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng - Ảnh 2.

Nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Lượng hàng tồn kho ngày càng tăng cao. Đây là thực trạng của các doanh nghiệp chế biến lâm sản tại Thanh Hóa hiện nay. Đại diện doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm ván ép này cho biết: hiện đơn vị chỉ sản xuất 2 ngày trong tuần để duy trì việc làm, giữ chân người lao động. Hàng trăm contaner hàng đã sản xuất cũng chưa thể xuất khẩu do phía đối tác dừng nhận hàng. Ông Phạm Đình Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Thái Sơn cũng cho biết đơn vị đang khắc phục ở duy trì sản xuất, cũng đang tìm kiếm thị trường, nhưng nói chung vẫn chậm.

Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng - Ảnh 3.

Thanh Hóa hiện có 363 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành Chế biến gỗ và lâm sản tháng 7 năm 2022 toàn tỉnh đã giảm gần 8,3% so với tháng 6. Trong tháng 7, đơn hàng của doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản sụt giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh… Thị trường tiêu thụ trong nước cũng giảm, giá các sản phẩm gỗ giảm khoảng 30% khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh. Nhiều đơn vị chế biến lâm sản tại Thanh Hóa hiện không có đơn hàng trong các tháng cuối năm 2022, đơn hàng xuất chậm hoặc bị hủy, hàng tồn kho nhiều buộc phải tiếp tục giảm công suất sản xuất.

Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng - Ảnh 4.

Ông Cao Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Sơn Lâm cũng cho biết "các mặt hàng chững lại, đối với đơn vị chỉ sản xuất khoảng 60%, trong khó khăn chúng tôi vẫn phải tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm, hướng tới chuyển sang đơn hàng nội địa để đảm bảo thu nhập cho người lao động". Còn ông Hà Văn Khâm, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp gỗ Thanh Hoa thì cho biết "từ tháng 6, gần như đầu ra xuất khẩu không xuất được, hiện nay chúng tôi cũng chỉ mang tính chất cầm chừng, giảm công suất khoảng 50%, công ty đang nỗ lực tìm giải pháp mới, đơn hàng mới, thị trường mới, đa dạng sản phẩm, cũng hy vọng cuối năm thị trường tốt hơn".

Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng - Ảnh 5.

Khảo sát của đại diện nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ phối hợp với Tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy: khoảng 71% doanh nghiệp chế biến lâm sản trong cả nước cho biết, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. 

Thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng - Ảnh 6.

Bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành các biện pháp khắc phục như: chấp nhận giảm giá bán để giữ thị trường, giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường. Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn, giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu … giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất qua giai đoạn khó khăn này.


Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 15.8