Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn

08:24 - 15/03/2024

Ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được triển khai gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thông tin rõ ràng về hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đối với sự an toàn của người tiêu dùng. Nhiều hoạt động thiết thực cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt trong cả năm nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Mỗi khi đi mua hàng, chị Trịnh Thị Trang, ở thành phố Thanh Hoá đều cẩn trọng lựa chọn, xem xét các thông tin được niêm yết trên từng sản phẩm cũng như thông tin cửa hàng mà mình mua sắm.

Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn- Ảnh 1.

Chị Trịnh Thị Trang, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Chị Trịnh Thị Trang, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Mình luôn quan tâm đến thông tin trên sản phẩm, và mình cũng chọn cửa hàng có uy tín, thì mình thấy hầu hết các cửa hàng bây giờ trên sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, giúp mình yên tâm hơn về sản phẩm".

Hiện nay "Tiêu dùng an toàn" đã trở thành mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của mỗi người dân. Người tiêu dùng ngày càng ý thức về quyền lợi của mình, cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hoá dịch vụ. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra.

Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn- Ảnh 2.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 5.578 vụ việc vi phạm buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Các thành viên ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã phát hiện xử lý 1.612 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn, đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.

Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Khoa,Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Bá Thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển chợ tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các chợ đều có ban quản lý, thường xuyên kiểm tra giám sát nguồn gốc hàng hoá, động viên bà con tiểu thương kiểm soát chất lượng hàng hoá, đảm bảo tốt quyền người tiêu dùng".

Ông Lê Văn Khoa,Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Sở Công thương tiếp tục tuyên truyền bảo vệ quyền người tiêu dùng, hỗ trợ tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, phối hợp trong kiểm tra kiểm soát chất lượng, giá cả thị trường, đặc biệt đẩy mạnh tập huấn, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ người tiêu dùng".

Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào mà cần sự chung tay góp sức, đồng hành của toàn xã hội. Cùng với sự vào cuộc của cơ quản lý nhà nước, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân cũng cần thực hiện tốt Luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. 

Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn- Ảnh 4.

Trong đó, về phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Về phía người dân cũng cần nâng cao kiến thức tiêu dùng. Đặc biệt, cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, an toàn, bền vững.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 15/3