Thu hút doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp góp phần quan trọng để chuyển đổi cơ cấu lao động, sản xuất, tạo nền tảng phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn, giúp giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới.

Trở về quê sau 15 năm đi làm ăn ở các tỉnh phía nam, năm 2020, chị Nguyễn Thị Quyên, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn được nhận vào làm công nhân làm mi giả tại công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Hùng đóng trên địa bàn. 

Thu hút doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Được đào tạo, vững tay nghề, chị đã gắn bó với công ty 3 năm nay với mức lương 15 triệu đồng 1 tháng, lại vừa có thời gian chăm sóc con cái. Hiện nay, công ty đang duy trì công việc ổn định cho hơn 400 lao động trên địa bàn xã Dân lực.

Về đây làm việc mức lương rất ổn định; gần nhà cái gì cũng thuận tiện. Ví dụ nhà có công việc gì cũng có thể tranh thủ về giải quyết được.
Chị Nguyễn Thị Quyên - Xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa


Thực tế cho thấy, đưa doanh nghiệp về với nông thôn là "chìa khóa" để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế của nông thôn, góp phần cùng các địa phương hoàn thành 3 tiêu chí Nông thôn mới quan trọng gồm: thu nhập, việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Do vậy, trong quá trình triển khai chương trình, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư... nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. 

Thu hút doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn - Ảnh 4.

Trong đó, các huyện chú trọng thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, như: may mặc, giầy da xuất khẩu, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... Đến nay, toàn tỉnh có hàng trắm doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngìn lao động. . Công việc, phúc lợi đảm bảo, lại gần gia đình, vì thế, nhiều lao động xa quê đã quyết định trở về địa phương ổn định cuộc sống. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Xác định thu hút doanh nghiệp là nội dung quan trọng, xã chúng tôi đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động tốt. Đến nay, trên địa bàn xã có 21 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho 2000 lao động địa phương.
Ông Đào Mạnh Cường - Bí thư Đảng ủy xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Đưa doanh nghiệp về nông thôn đã và đang tạo cơ hội và môi trường tốt để nông dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Qua đó, làm thay đổi diện mạo đời sống nông thôn, đồng thời, giải quyết triệt để được bài toán "ly nông không ly hương".

Thu hút doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn - Ảnh 6.

 

Nguồn: THNM 28/9/2022