Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng nấm hữu cơ

08:56 - 19/08/2019

(TTV) - Xuất thân là một cán bộ kỹ thuật của trung tâm nuôi cấy mô, thuộc sở Khoa học và công nghệ Thanh Hóa, với quyết tâm làm giầu từ nông nghiệp, anh Phạm Lân Quang, Phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa đã đầu tư thành công mô hình trồng nấm hữu cơ và sản xuất nấm giống, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

 

Năm 2015, anh Phạm Lân Quang xin nghỉ công tác ở trung tâm nuôi cấy mô trực thuộc Sở Khoa học, về mở trang trại tại khu phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải để trồng nấm, mộc nhĩ, với ý tưởng vừa sản xuất, vừa tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ cho bà con trong khu phố và khu vực lân cận cùng sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, rồi chính anh sẽ đứng ra thu gom và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Ngay từ năm đầu tiên, mô hình này đã thành công, nấm phát triển tốt, lại có thị trường tiêu thụ ổn định nên đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình. Để chủ động trong sản xuất, năm 2016, anh Quang bắt đầu nghiên cứu sản xuất các loại giống nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi. Tự sản xuất được giống không chỉ giúp anh chủ động được thời vụ, mà còn có được nguồn giống sạch, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Không chỉ vậy, anh còn cung cấp giống nấm, mộc nhĩ cho 4 trang trại trồng nấm vệ tinh ở các huyện Hoằng Hóa, Yên Định.

Anh Phạm Lân Quang, Phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, thành phố Thanh hóa cho biết:  Khâu trọng yếu của làm nấm chính là khâu vệ sinh. Giữ đước khâu vệ sinh chung từ khâu sản xuất, đến khâu nuôi trồng, hoàn toàn phải kiểm soát được. Thì lúc đó chất lượng mới ổn định được.

Anh Phạm Lân Quang (áo sọc), Phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, thành phố Thanh hóa cho biết: Khâu trọng yếu của làm nấm chính là khâu vệ sinh. Giữ đước khâu vệ sinh chung từ khâu sản xuất, đến khâu nuôi trồng, hoàn toàn phải kiểm soát được. Thì lúc đó chất lượng mới ổn định được.

Năm 2018, trang trại của anh Nguyễn Lân Quang sản xuất được trên 7 vạn nấm sò, nấm Linh Chi và mục nhĩ, thu được gần 15 tấn sản phẩm, doanh thu trên 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 270 triệu đồng.

Không giấu nghề, anh Quang luôn sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm. Ngoài ra, anh còn liên kết làm đối tác tiêu thụ nấm cho 5 cơ sở sản xuất ở Quảng Xương và Đông Sơn, cung ứng cho các kênh tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và chợ đầu mối thành phố Thanh Hóa.

Anh Phạm Lân Quang, Phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, thành phố Thanh hóa cho biết: Cái đầu tiên đặt ra từ chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã hàng hóa là phải đồng nhất. Để đảm bảo được cái đó từ khâu sản xuất đến khâu nuôi trồng, bản thân khâu nguyên liệu đầu vào, thì phải có sự thống nhất. Các trại tôi tham gia bao tiêu sản phẩm hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ luôn để đảm bảo cho sản phẩm ổn định.

Ông Đỗ Trọng Hòa, Trạm Khuyến nông thành phố Thanh Hóa cho biết: Mô hình trang trại nấm chỗ anh Quang là một mô hình tiêu biểu của thành phố, các hộ muốn sản xuất nấm thì chúng ta nên tìm hiểu và đến đây để tham quan cũng như học tập về cách thiết kế cũng như quy trình sản xuất nấm, từ đó tạo ra được sự liên kết giữa các hộ để tạo ra sản phẩm có chất lượng đầu ra ổn định.

Để tiếp tục nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của trang trại,  tới đây, anh Quang dự định sẽ sử dụng phế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch nấm để làm phân hữu cơ sản xuất rau mầm, rau an toàn./.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 19/8