Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp

(TTV) - Sáng ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành cấp tỉnh, các tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

7 tháng năm 2022, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các cân đối lớn. Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; khu vực sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép từ lạm phát gia tăng trên toàn cầu, giá cả xăng dầu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, sự gián đoạn cung cầu, thị trường, đơn hàng giảm, việc thiếu hụt lao động cục bộ, khó khăn tiếp cận vốn tín dụng phục hồi sản xuất.

Trên cơ sở đánh giá khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa; hỗ trợ thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế" theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tiếp tục tập trung vốn tín dụng hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, thách thức, sự hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp khi vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì sản xuất kinh doanh trong suốt 2 năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn trật tự xã hội để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt, khơi thông các nguồn lực của xã hội. Làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ. Tháo gỡ những rào cản về pháp lý đã tồn tại từ lâu nhưng chưa giải quyết làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19, tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đoàn kết, "đồng cam cộng khổ" chia sẻ cùng với đất nước, Nhân dân, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức hiện nay. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV