Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

19:53 - 11/11/2023

Sau khi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đi thăm, kiểm tra tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là dự án liên doanh do 4 doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait, Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui. Đi vào vận hành thương mại năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là biểu tượng của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản và Kuwait. Ghi nhận Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực, vận hành nhà máy, sản xuất, góp phần bảo đảm cung cầu xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia; Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành của nhà máy. Đó là thị trường năng lượng toàn cầu thay đổi khiến lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh; doanh thu và lợi nhuận từ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không đạt như kỳ vọng ban đầu; việc quản trị, điều hành nhà máy đang có nhiều bất cập; nhà máy hoạt động chưa ổn định và chưa tối ưu về chi phí. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Thủ tướng đã có các cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Kuwait về các giải pháp xử lý những vấn đề liên quan tới Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên cùng phải có lợi.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bên tham gia dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần khẩn trương thực hiện tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự (như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát); tiến hành tái cấu trúc về tài chính; và tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục vận hành nhà máy bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường; sản xuất, cung ứng đầy đủ nguồn xăng dầu theo đúng kế hoạch đã đăng ký phục vụ cho thị trường nội địa, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho dự án hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng dầu và cân đối cung cầu xăng dầu trong nước.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 3.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch và đầu tư các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn; nghe báo cáo định hướng quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái cụm đảo hòn Mê. Với lợi thế đặc biệt về nước sâu, Cảng biển Nghi Sơn đã được xác định là cảng loại I, được quy hoạch thành cảng biển đặc biệt. Hiện, Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất khoảng 75 triệu tấn/năm; đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 4.

Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết: Tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều chính sách phù hợp để đưa Cảng biển Nghi Sơn ngày càng phát triển, tạo bước nhảy vọt, đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn. Do vậy, Thanh Hóa đã và đang thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống Cảng biển Nghi Sơn, trong đó đã có những hãng tàu quốc tế lớn mở tuyến vận tải container tại Cảng Nghi Sơn.

Đánh giá cao nỗ lực và những kết quả của tỉnh Thanh Hóa và các bộ ngành trong việc quy hoạch và thực hiện xây dựng cảng biển Nghi Sơn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của cảng nước sâu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như các quy hoạch, chiến lược phát triển khác để quy hoạch không gian phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và cảng Nghi Sơn trong tương lai; đảm bảo phát huy và khai thác tối đa thế mạnh của cảng biển này, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Thủ tướng cũng lưu ý cần nghiên cứu để tạo sự phong phú, đa dạng về nguồn hàng, luồng hàng và bạn hàng cho cảng; nguồn hàng không chỉ của Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Lào mà cần nghiên cứu để kết nối, khai thác nguồn hàng từ các tỉnh Tây Bắc.

Đối với định hướng quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái cụm đảo hòn Mê, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ý tưởng này; đồng thời yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế chính sách huy động, thu hút đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 5.

Tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực. Đi vào hoạt động từ tháng 01/2019 với quy mô 300 giường bệnh; đến tháng 10/2022, Bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt nâng quy mô lên 460 giường bệnh. Là bệnh viện thứ hai của Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực đã khám cho hơn 450.000 lượt bệnh nhân. Số ca được phẫu thuật trên 11.000 ca; trong đó có gần 1.000 ca phẫu thuật đặc biệt thuộc tuyến trên liên quan đến sọ não, cột sống, thay khớp háng, ghép tay, ghép xương, bơm cement cột sống… Bệnh viện cũng đã đầu tư, trang bị hệ thống máy móc y tế hiện đại, như máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống phòng mổ áp lực dương đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn… góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực luôn chủ động trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, hạn chế tối đa và giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, chủ động mọi tình huống, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ khám, điều trị người bệnh.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và biểu dương Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực đã chủ động, nỗ lực, sáng tạo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của ngành y tế. Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện, cơ chế để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thu hút, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có việc xây dựng và vận hành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực. Đồng thời lưu ý tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khuyến khích phát triển y tế tư nhân; làm tốt công tác quy hoạch, bố trí không gian phù hợp để phát triển hệ thống y tế, trong đó có các mô hình y tế, bệnh viện tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 7.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm, làm việc với Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những đóng góp của Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực nói chung, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực nói riêng, đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đặc biệt là trong cuộc chiến phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Thủ tướng cho rằng: mô hình bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực của Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực là mô hình thành công. Do vậy, Bộ Y tế cần có những tổng kết, đánh giá để tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy, nhân rộng các mô hình bệnh viện tư nhân như thế này; nhằm phát triển hệ thống y tế tư nhân bền vững, góp phần thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước là lấy con người là mục tiêu, trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, động lực phát triển; luôn đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của Tổng công ty cổ phần Hợp Lực về đầu tư Bệnh viện quốc tế Sản - Nhi Hợp Lực với quy mô 700 giường; đồng thời mong muốn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh; từng cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế thực sự là "mẹ hiền" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Cũng trong chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, tặng quà, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn.

Nguồn: TS Tối 11/11/2023