Thú y Thanh Hóa - Một năm vượt khó

Năm 2022, vượt qua khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao và ảnh hưởng của dịch Covid - 19, ngành chăn nuôi Thanh Hóa vẫn tăng trưởng cao về sản lượng và giá trị. Đặc biệt, với sự chủ động tích cực, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, năm 2022 là năm đầu tiên trong 10 năm gần đây, Thanh Hóa không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Trong năm 2022, mặc dù dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nguy cơ các loại dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao. Tuy nhiên, với sự chủ động ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và công tác tiêm phòng. Các địa phương đã nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Do vậy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được kiểm soát tốt, và năm 2022 là một năm an toàn trước dịch bệnh. Công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi cũng luôn đứng đầu cả nước. 

Thú y Thanh Hóa - Một năm vượt khó - Ảnh 2.

Ông Phạm Minh Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Minh Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Lãnh đạo UBND huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các ngành, lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi tập trung làm tốt công tác phòng dịch, trong đó công tác tiêm phòng được quan tâm chú trọng. Trong 2 đợt tiêm phòng đối với huyện đều đạt trên 80% trở lên. Các biện pháp phòng dịch trên đàn gia súc gia cầm được quan tâm một cách triệt để."

Thú y Thanh Hóa - Một năm vượt khó - Ảnh 3.

Bên cạnh kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, năm 2022, ngành chăn nuôi Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt việc tái đàn, tăng đàn. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong dân cư giảm đáng kể, thay vào đó đã chuyển đổi, phát triển thành các trang trại, gia trại quy mô lớn, khép kín, đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 5 dự án chăn nuôi lợn và gà công nghệ cao, có tổng số vốn đầu tư 650 tỷ đồng. Các dự án được thực hiện theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y và thị trường tiêu thụ. Từ đó tạo bước đột phá, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Thú y Thanh Hóa - Một năm vượt khó - Ảnh 4.

Ông Tống Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa

Ông Tống Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: "Với sự vào cuộc quyết liệt chỉ đạo của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm. Kết quả, thể hiện năm 2022, trên địa bàn tỉnh là năm đầu tiên trong 10 năm trở lại đây không có dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gsgc. Thứ 2 công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, thứ 3 là các chỉ tiêu về chăn nuôi đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Sản lượng thịt hơi các loại tăng 8,6% so với cùng kỳ; sản lượng trứng tăng 18,6% so với cùng kỳ, sản lượng sữa tăng 11,1% so với cùng kỳ."

Thú y Thanh Hóa - Một năm vượt khó - Ảnh 5.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 26,2 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 290 nghìn tấn và sản lượng trứng đạt 310 triệu quả. Mục tiêu lớn, nhưng khó khăn và thách thức còn nhiều do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, Thanh Hóa cần sớm kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về thú y trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Áp dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp, liên kết chặt chẽ với chế biến thực phẩm sau chăn nuôi, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và đủ điều kiện xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để hạn chế rủi ro, đảm bảo phát triển bền vững./.

Nguồn: Bản tin THNM 1/1/2023