Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

08:34 - 15/05/2023

Thời gian qua, một số xã nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá. Hiện nay, 100% văn bản, hồ sơ công việc của xã được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, hướng dẫn người dân lập các nhóm zalo dùng chung cho các đoàn thể, chi hội nên việc tiếp nhận thông tin, các văn bản chỉ đạo, điều hành từ các cấp chính quyền đến với người dân được triển khai nhanh chóng.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2023, xã phấn đấu có thêm 3 thôn đạt thôn thôn mới, xã đã có kế hoạch huy động nguồn lực để lắp camera giám sát, xã cũng phân công cán bộ công chức xuống tận thôn để hoàn thành các tiêu chí xã đã đề ra.

Cùng với xây dựng chính quyền số, các xã đã quan tâm, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng số để phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử…Đến nay, Thanh Hóa có 145 doanh nghiệp với trên 400 sản phẩm tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; 112 doanh nghiệp tham gia quảng bá và bán hàng nông sản, thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shoppee, Postmart.vn, Voso.vn; 11 hợp tác xã với 70 sản phẩm nông sản tham gia cổng thông tin kết nối cung cầu của Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Từ đó, các sản phẩm, hàng hóa nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh được quảng bá nhiều hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty CP dịch vụ yến sào VietNest, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty CP dịch vụ yến sào VietNest, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết, 90% doanh thu của công ty là bán hàng online, hiện tại công ty đang phát triển và đẩy mạnh thương mại số, đưa các mặt hàng lên trang thương mại điện tử.

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 132 xã, phường, thị trấn được giao hoàn thành chuyển đổi số cấp xã theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo điều kiện giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, tạo tiền đề để các địa phương hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

Nguồn: Bản tin 18h30/TTV