Thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ thương mại

Quý 3, quý 4 hàng năm luôn là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tăng cao. Năm nay, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn do lạm phát và suy thoái kinh tế, các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại tại Thanh Hóa đều đang nỗ lực chủ động nguồn cung hàng hoá, tìm các giải pháp phù hợp để kích cầu tiêu dùng, nỗ lực hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Dịch vụ thương mại là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, lạm phát kinh tế. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt, tích cực tìm các giải pháp phù hợp để ổn định nguồn cung hàng hoá. Các doanh nghiệp cũng chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để khai thác các thị trường mới; triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu, thúc đẩy sức mua trên thị trường. Nhờ vậy, 7 tháng năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 98 nghìn tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch và tăng 14,1% so với cùng kỳ. Một số ngành hàng tăng cao như lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch….

Thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ thương mại - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Quản lý Chợ Ô tô số 1 Thanh Hoá từ giờ đến cuối năm nhu cầu đi lại nhiều nên thị trường ô tô cũng sôi động, chợ cũng đang đẩy mạnh giảm giá xe, cắt một phần lợi nhuận hỗ trợ khách hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng các chính sách bảo hành bảo trì, bảo dưỡng.

Thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ thương mại - Ảnh 3.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 175 nghìn tỷ đồng. Ngành Công thương Thanh Hóa cũng đang tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong bình ổn giá cả thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Bản tin thời sự 18h30 ngày 9.8.2023