Thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong kinh doanh thương mại điện tử

07:54 - 21/04/2023

Trong thời đại “số hoá” hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử đang dần trở thành xu thế tất yếu, giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thì thực trạng hàng giả, hàng nhái và các gian lận thương mại trên thị trường này ngày càng diễn ra phức tạp và khó kiểm soát, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng và cả những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Theo các cơ quan chức năng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng thời gian qua xảy ra tăng rõ rệt. Chỉ tính trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong kinh doanh thương mại điện tử - Ảnh 2.

Tại Thanh Hoá, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã ban hành 47 quyết định xử phạt, tịch thu đối với 50 hành vi vi phạm về hoạt động thương mại điện tử và sử dụng ứng dụng số để kinh doanh. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thương mại điện tử vẫn đang diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi. Trong khi việc quản lý, kiểm soát lại gặp nhiều khó khăn. 

Thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong kinh doanh thương mại điện tử - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ rằng, môi trường kinh doanh số có nhược điểm là cơ quan nhà nước không quản lý hết được phần mà đối với doanh nghiệp bán sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường, khách hàng khi bỏ tiền thật nhưng mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, đối với doanh nghiệp đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến uy tín cho những công ty làm ăn chân chính.

Thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong kinh doanh thương mại điện tử - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10, Cục quản lý thị trường Thanh Hoá cho biết: "Mặt hàng kinh doanh online thường trà trộn hàng thật hàng giả nên khó nắm bắt chất lượng sản phẩm hàng hoá, trên các trang web có cung cấp địa chỉ thông tin nhưng khi kiểm tra địa chỉ không tồn tại, trang web kinh doanh oline mạng phân phối lớn, nhiều kênh, để kiểm tra kiểm soát khó khăn".

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Thực tế này đang đặt ra những thách thức cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với kinh doanh thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 21/4