Thương mại điện tử - đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng

08:23 - 27/01/2024

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh đã giúp người tiêu dùng có thể thêm lựa chọn về cách mua sắm phù hợp. Thương mại điện tử, cũng giúp các nhà sản xuất, nhất là các nhà sản xuất nhỏ thuận lợi hơn trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ tiếp cận người tiêu dùng.

Dù có 13 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, song chuỗi hệ thống này vẫn song song kết hợp hình thức bán hàng trên các nền tảng Tik Tok, Facebook. Thông qua mạng, hàng ngày đơn vị có khoảng 300 – 500 đơn hàng được chốt và chuyển đến người tiêu dùng. Với quan điểm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, chỉ tính riêng kinh doanh qua mạng, hàng tháng đơn vị này đóng góp từ 50 – 60 triệu đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Thương mại điện tử - đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng- Ảnh 1.

Anh Đoàn Hải Đăng, Chủ hệ thống chuỗi mẹ và bé Jim tồ cho rằng: "Thương mại điện tử rõ ràng đã là mục tiêu xu thế trong những năm trở lại đây, và những người chưa bắt kịp xu thế này đang gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường đi xuống. Ngược lại với những cái người mà nhanh chân nhảy vào lĩnh vực này thì vẫn đang còn tồn tại và phát triển khi mà dấu hiệu của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khôi phục. Tôi cũng rất hy vọng là trong năm 2024, mọi thứ đã trở lại bình thường, kinh tế phát triển thì thương mại điện tử sẽ còn những bước phát triển lớn hơn nữa".

Mua hàng qua mạng là xu hướng đang được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là giới trẻ. Bởi khi mua sắm qua mạng, người tiêu dùng có thể lựa chọn và quyết định được ở mọi lúc mọi nơi, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đáp ứng được nhu cầu nhanh và kịp thời. Chị Phùng Thị Hạnh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Tôi mua qua trực tuyến thì không mất nhiều thời gian để ra cửa hàng hoặc ra các shop để mình chọn đồ. Thứ hai là những dịp cuối năm thì ưu đãi rất lớn và khi mà mình nắm bắt cơ hội đó thì tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho sản phẩm ấy"

Thương mại điện tử - đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng- Ảnh 2.

Từ lợi thế của hình thức kinh doanh thương mại điện tử, dù ở mức độ khác nhau nhưng hầu kết các cơ sở sản xuất và kinh doanh đều lựa chọn kết hợp kinh doanh trực tiếp và kinh doanh thương mại điện tử. Thậm chí, dù có nơi trưng bầy như các siêu thị lớn, các doanh nghiệp vẫn không bỏ qua miếng bánh thị phần trên lĩnh vực thương mại điện tử, để tăng doanh số bán hàng, doanh thu và cũng là để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Ông Đinh Hữu Thuận, Giám đốc Siêu thị HC Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi có chính sách riêng cho khách hàng mua online, tặng thêm các voucher lên đến 5 triệu và có các chương trình riêng cho khách hàng mua online, giảm giá lên đến 75%. Ngoài ra chúng tôi vẫn duy trì chính sách giao hàng tại nhà, bảo hành chính hãng tại nhà để khách hàng yên tâm mua sắm online". Chị Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Điều hành Siêu thị Go Thanh Hoá cũng cho biết: "Đối với những tuần lễ vàng, hay là những tuần lễ chạy trên những sàn thương mại điện tử, những cái trang trực tuyến thì doanh số bán hàng tăng cao hơn tầm 50% so với những tuần lễ mà không chạy. Đây là một lợi thế quan trọng để chúng tôi tiếp tục đưa ra những chương trình khuyến mại lớn".

Thương mại điện tử - đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng- Ảnh 3.

Với sản phẩm tẩy rửa sinh học hữu cơ từ vỏ dứa - một sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hoá, nếu như chất lượng tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp thì thương mại điện tử mới giúp sản phẩm của công ty vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, ngoài việc được đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị AEONMALL của Nhật Bản và một số siêu thị khác tại thị trường phía Nam, các sản phẩm của công ty đã lên sàn thương mại điện tử Amazon của Mỹ và xuất khẩu sang các nước Mỹ, Trung Quốc, Malaisia. Chị Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA BIOTECH cho biết: "Với một sản phẩm tẩy rửa, thông thường tại Việt Nam, đa phần đang phải nhập khẩu và FUWA khi mà xuất khẩu được thì đó như là một cú lội ngược dòng, bởi vì chính từ chất lượng sản phẩm và xu hướng mà mọi người đang mong muốn".

Từ nhiều năm qua, Việt Nam liên tục tổ chức các hoạt động như "Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia" và "Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday". Theo tính toán của các cơ quan chức năng, năm 2023, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD. Để thúc đẩy thương mại điện tử, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 44.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đưa hơn 87.000 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời tập huấn kỹ năng tuyên truyền quảng bá sản phẩm trên nền tảng số cho các đơn vị. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đầu tư, ứng dụng các giải pháp số chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn.

Thương mại điện tử - đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng bộ phận Marketing, Công ty trách nhiệm hữu hạn thời trang quốc tế Savani cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư với ngân sách hơn 500 triệu để đầu tư và nâng cấp hệ thống, đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc livestream trên các trang thương mại điện tử. Đặc biệt là trên tất cả các trang thương mại điện tử và trên các nền tảng xã hội, chúng tôi đều có những kênh để kết nối trực tiếp với khách hàng nhằm tối ưu hóa về phần doanh thu trực tuyến".

Có thể thấy, thương mại điện tử là cơ hội lớn giúp người kinh doanh tiếp cận với đông đảo đối tượng khách hàng tiềm năng, đồng thời là cách tốt nhất để quảng bá sản phẩm mà ít tốn chi phí. Tuy nhiên, sự cạnh tranh về giá trên các sàn giao dịch này cũng là câu chuyện đáng để lưu tâm và nếu người kinh doanh không giữ chữ tín bằng chất lượng và giá cả thì cũng dễ bị loại khỏi cuộc chơi trên chính sân chơi mà họ tạo ra.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 27/1/2024