Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội

17:23 - 22/08/2022

(TTV) - Những năm gần đây, các huyện miền núi, vùng cao Thanh Hoá đã tập trung nhiều nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 1.

Huyện Thường Xuân

Thường Xuân là huyện miền núi, vùng cao, biên giới có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Thanh Hoá, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 82%, đất nông nghiệp chỉ 6%. Do đó, Thường Xuân phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào nông – lâm nghiệp với mức thu nhập thấp.

 Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Thường Xuân dân số gần 100 ngàn người, trong đó hơn 50% là độ tuổi lao động. Do đó, địa phương này xác định, muốn giảm nghèo bền vững phải nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 2.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thường Xuân, Thanh Hoá

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thường Xuân, Thanh Hoá cho biết: "Để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, những năm qua địa phương đã khuyến khích người lao động đi xuất khẩu lao động, hoặc làm việc tại các nhà máy trong cả nước. Từ đó, đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, vì đi làm ăn xa, nhiều cặp vợ chồng phải xa nhau hoặc xa con cái, phó thác việc chăm sóc con cho ông bà, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển, giáo dục con em; nhiều vụ trẻ em tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra cũng vì bố mẹ đi làm ăn; nhiều vụ ly hôn, gia đình không hạnh phúc cũng vì đi làm ăn xa… Từ thực tế đó, trong những năm gần đây, Thường Xuân đã quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm cho người dân tại chỗ".

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 3.

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Vũ Thị Ánh, xã Ngọc Phụng, từng có thâm niên gần 3 năm làm việc cho một công ty FDI tại tỉnh Bắc Ninh với thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng 1 tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi nắm được thông tin có một công ty may mặc vốn đầu tư nước ngoài được xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Thường Xuân, 6 tháng trước, chị Ánh đã quyết định trở về quê làm việc. Bởi lẽ, được về làm việc gần nhà, có thu nhập ổn định, được sống cùng bố mẹ, anh em, bạn bè là niềm vui và hạnh phúc đối với cô gái trẻ này.

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 4.

Chị Vũ Thị Ánh, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Chị Vũ Thị Ánh, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Tôi về làm tại đây được 06 tháng rồi. Lương trung bình khoảng 6 triệu nhưng không phải mất các chi phí sinh hoạt khác như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và các loại tiền khác. Tính ra thu nhập ít hơn khi làm ở Bắc Ninh nhưng lại tiết kiệm được nhiều hơn và quan trọng là được ở nhà để tiện chăm sóc bố mẹ già".

Chị Đoàn Thị Mai, Thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá bày tỏ: "Tôi làm ở đây được cũng đã hơn 1 năm rồi. Lương dao động từ 6-7 triệu đồng 1 tháng, cùng với thu nhập của chồng cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nuôi 01 con nhỏ ăn học. Làm gần nhà nên mọi thứ tiện hơn nhiều so với việc đi làm ăn xa".

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 5.

Chị Ánh và chị Mai là hai trong số gần 2 ngàn công nhân đang làm việc Công ty TNHH South Fame Garments Limited, đóng trên địa bàn thị trấn Thường Xuân. Công ty này được xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. Đây là công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên và lớn nhất đặt tại huyện vùng cao Thường Xuân. Với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, diện tích nhà xưởng và các công trình phụ trợ lên đến hàng chục ngàn mét vuông, Công ty TNHH South Fame Garments Limited đã giúp huyện Thường Xuân giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương.

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 6.

Anh Vi Mai Kế, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH South Fame Garments Limited, thị trấn huyện Thường Xuân, Thanh Hoá

Anh Vi Mai Kế, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH South Fame Garments Limited, thị trấn huyện Thường Xuân, Thanh Hoá cho biết: "Với vai trò là tổ chức đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, thời gian qua chúng tôi thấy, Công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với công nhân. Qua nắm bắt chúng tôi thấy hầu hết người lao động đều hài lòng khi làm việc tại đây".

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thường Xuân đã giải quyết việc làm cho gần 1 lao động thông qua các kênh khác nhau. Trong đó, chiếm phần lớn lực lượng làm việc trong các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Công ty TNHH xây dựng thương mại Gia Hiếu, đặt tại Cụm Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thị trấn Thường Xuân, có sản lượng trên 2 triệu viên gạch mỗi năm, đã tạo việc làm 50 lao động thường xuyên và khoảng 100 lao động thời vụ trên địa bàn. Đi vào sản xuất, kinh doanh từ năm 2018, đến nay, đơn vị này đã giúp cho nhiều lao động địa phương có cuộc sống ổn định, với mức lương từ 9-10 triệu đồng 1 tháng. Anh Lê Văn Giảng, Thợ vận hành máy, Công ty TNHH xây dựng thương mại Gia Hiếu, thị trấn huyện Thường Xuân, Thanh Hoá chia sẻ: "Lương trung bình của tôi khoảng 10 triệu đồng 1 tháng. Nói chung, cũng tạm ổn nếu chi tiêu hợp lý. Tôi cũng mong, trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển hơn nữa thì thu nhập, đời sống của những người công nhân như chúng tôi sẽ được nâng cao".

Hiện có khoảng 3 ngàn lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Xuân. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các ngành may mặc, chế biến lâm sản, nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Dù trước, trong hoặc sau thời điểm dịch Covid-19, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Lâm, đóng trên địa bàn xã Ngọc Phụng, vẫn duy trì việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động, với thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng 1 người 1 tháng. Trong năm 2022, những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu dần được giải quyết, công ty tăng năng suất lên 100% với sản lượng đạt khoảng 100 tấn giấy 1 tháng. Từ đó, giúp cho nhiều hộ nông dân bán được luồng, có thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 7.

Thường Xuân có thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp như: thuỷ điện; chế biến gỗ; chế biến nông sản, lâm sản; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; may mặc, dày da; chế tác đá mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng… Đến tháng 8/2022, Thường Xuân đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch và phát triển 02 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thị trấn Thường Xuân với diện tích quy hoạch khoảng 30 ha. Hiện đã có một số đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và tiến hành sản xuất, kinh doanh. 

Thường Xuân tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 8.

Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Khe Hạ, đóng tại xã Luận Thành với diện tích quy hoạch là 49,2 ha sẽ tiến hành các bước quy hoạch, xây dựng cơ hạ tầng, hoàn thiện mặt bằng vào cuối năm 2023. Cùng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hiện có, nếu các cụm công nghiệp này được "lấp đầy" các nhà máy sản xuất sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện vùng cao Thường Xuân, đồng thời, sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hiện nay, ở miền núi Thanh Hoá, đã có hàng chục cụm công nghiệp, tiểu thụ công nghiệp với hàng ngàn ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Nhiều cụm CN-TTCN đã và đang hoàn thiện các thủ tục hành chính, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Mặc dù tỉnh Thanh Hoá và Trung ương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhưng hiện nay, nhiều cụm CN-TTCN trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hoá vẫn khó kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực thu hút vốn đầu tư vào miền núi trong thời gian qua.

Nguồn: Chuyên mục Câu chuyện vùng cao