Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp 'thẻ đỏ'

08:04 - 04/09/2023

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thẻ vàng về thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Uỷ ban châu Âu (EC) đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay.

Đến năm 2022, tức sau 5 năm Uỷ ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng về thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm còn 9,4%. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu bị áp thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD mỗi năm. Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 - 3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng.

Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp 'thẻ đỏ' - Ảnh 2.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến tháng 10, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang kiểm tra lần thứ 4 của Việt Nam. Đây cũng là thời điểm quyết định EC có gỡ cảnh báo với thủy sản khai thác của Việt Nam. Do đó, từ nay đến tháng 10, Việt Nam cần hoàn thiện dứt điểm hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Với 28 tỉnh, thành phố cần có số liệu cụ thể của từng tỉnh về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị VMS; từ đó có những biện pháp mạnh tay để xử lý vi phạm.

Nguồn: Bản tin THNM 4/9/2023