Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn

23:32 - 29/04/2023

Theo thống kê từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, mỗi vụ sản xuất, tỉnh Thanh Hoá có từ 9.000 đến 11.000 ha bị xâm nhập mặn và hạn hán. Năm 2023 này, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino sẽ tăng cao bất thường. Do vậy, việc lựa chọn cây trồng, mô hình phù hợp để chuyển đổi cơ cấu, góp phần giảm nhu cầu sử dụng nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương tập trung triển khai.

Quảng Xương là địa phương nằm ở cuối nguồn tưới, có tới 5 xã nằm trong diện thường xuyên bị hạn và xâm nhập mặn. Theo tính toán của Ủy ban nhân dân huyện, trong vụ chiêm xuân 2022 – 2023 và vụ mùa tới đây sẽ có từ 1.000 đến 1.500 ha lúa bị hạn và nhiễm mặn. Để hạn chế thiệt hại, ngay từ đầu vụ chiêm xuân 2022 – 2023, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương đã vận động Nhân dân đưa các loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện canh tác, có khả năng chịu hạn cao vào thay thế cho cây lúa. Các diện tích chuyển đổi sang trồng rau màu, bí xanh, cà chua, dưa lưới, dưa chuột baby… đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. 

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 2.

Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 600 ha trồng lúa thường xuyên bị xâm nhập mặn, năng suất thấp sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao. Ông Trần Văn Chung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương cho biết: "Tại những vùng có hạn và xâm nhập mặn, chúng tôi đã vận động Nhân dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị và chiu được hạn, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây có giá trị cao hơn và chống chịu được tình trang thiếu nước".

Với sự tích cực và chủ động, hiện nay 24 xã thường xuyên có diện tích hạn và xâm nhập mặn tập trung ở các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Quảng Xương đã chuyển được từ 30 đến 40% diện tích vùng thiếu nước sang trồng cây chịu hạn. Các loaị cây như cà tím, bí xanh, dưa lê, rau màu đã được đưa vào trồng thành công, có đầu ra ổn định. Một số địa phương đã lựa chọn và sử dụng các loại giống lúa có khả năng chịu mặn như: Nhị Ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99 đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phục vụ thau chua, rửa mặn, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 3.

Đối với những diện tích đang trồng lúa có độ nhiễm mặn cao, ảnh hưởng đến năng suất, các địa phương đã chuyển sang trồng các loại cây màu hàng hóa và chuyển đổi sang xây dựng trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả kinh tế bình quân sau chuyển đổi tăng 30%, thậm chí có diện tích tăng tới 50% so với trước khi chưa chuyển đổi. Các xã, huyện cũng đã xây dựng, triển khai cơ chế hỗ trợ giống, phân bón và kinh phí làm nhà màng, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho các hộ dân tham gia chuyển đổi, nhẳm khuyến khích, nhân rộng mô hình. Nhận định từ phía các đơn vị thuỷ nông cho thấy các diện tích chuyển đổi cơ cấu đều đã góp phần làm giảm áp lực về cấp nước trong mùa nắng nóng.

Ông Trần Hưng, Giám đốc Chi nhánh thuỷ lợi Hoằng Hoá cho biết: "Thời gian gần đây nắng nóng tăng cao, chúng tôi đã vận hành liên tục các trạm bơm và định suất qui định về bơm điện Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho đơn vị hiện đã lên tới 98%. Hạn hán sẽ rất phức tạp, do đó rất mong các địa phương đồng hành cùng chúng tôi để có nhiều diện tích sử dụng nước tiết kiệm, năng suất cao". 

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thuỷ lợi tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: "Diễn biến về hạn hán và xâm nhập mặn sẽ rất phức tạp, chúng tôi đã có nhiều giải pháp như đôn đốc các đơn vị thuỷ nông tích trữ nước, thường xuyên có văn bản nhắc nhở các đơn vị thuỷ điện vận hành đúng qui định để đảm bảo nguồn cho cây trồng, sản xuất".

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 4.

Thời điểm này, mực nước trên các sông chính ở Thanh Hoá đều thấp hơn so với cùng kỳ từ 0,5 đến 1m, thời gian nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao, nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ các năm trước từ 0,5 đến 1 độ C và đặc biệt là lượng mưa giảm hơn 30% so với năm 2022.

Hiện tại, các đơn vị thuỷ nông cũng đã khẩn trương tu bổ, nâng cấp các trạm bơm, tăng cường giữ ngọt, ngăn mặn để phục vụ sản xuất. Tại 135 trạm bơm tưới của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuỷ lợi Bắc Sông Mã và Sông Chu, nơi có nhiều địa phương bị hạn, xâm nhập mặn đều đã vận hành liên tục để cấp nước, phục vụ sản xuất. Đặc biệt, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả bền vững, các địa phương đã có phương án đồng hành cùng bà con nông dân trong việc định hướng, lựa chọn cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Tăng cường xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chuyển đổi, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương.

 

Nguồn: Bản tin Nông nghiệp – Nông thôn ngày 29.4.2023