Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa

09:11 - 25/03/2023

Thanh Hóa có diện tích rừng luồng lớn nhất cả nước với hơn 78 nghìn ha, bình quân mỗi năm cung cấp trên 1,6 triệu tấn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Để nâng cao giá trị của cây trồng chủ lực này, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng mới, thâm canh, phục tráng rừng luồng, hỗ trợ hạ tầng vùng luồng tập trung và phát triển cây luồng theo hướng bền vững (FSC). Tuy nhiên, việc phát triển bền vững chuỗi giá trị tre, luồng vẫn còn nhiều hạn chế.

Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, huyện Quan Hóa đã tập trung đầu tư tâm canh nâng cao giá trị cây luồng, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). 

Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa - Ảnh 1.

Người dân sản xuất theo tổ nhóm, được tư vấn kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao ý thức bảo bảo vệ môi trường rừng. Từ đó nâng cao giá trị thu nhập.

Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Hữu - Bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hà Văn Hữu - Bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa: "Chúng tôi được tập huấn khai thác, bón phân đúng thời điểm, măng mọc nhiều hơn giá cả ổn định, bảo nhau khai thác theo từng khoảnh"

Phát triển rừng luồng thâm canh theo chuỗi giá trị, thu nhập mỗi ha 1 năm đạt từ 26 - 27 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với trồng luồng truyền thống. Nhưng trong số 78 nghìn ha tre, luồng, vầu của Thanh Hóa, mới có trên 5.400 ha tại hai huyện Quan Sơn và Quan Hóa được liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và được cấp chứng chỉ FSC. 

Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa - Ảnh 3.

Việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tre luồng còn rất hạn chế. Toàn tỉnh có 57 cơ sở chế biến, nhưng chỉ có 7 cơ sở chế biến sâu sản xuất đồ mỹ nghệ, than hoạt tính, viên nén, tre luồng ép khối, mỗi năm tiêu thụ khoảng 45% sản lượng, 55% sản lượng còn lại được tiêu thụ qua các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, sản xuất sản phẩm thô. Các nhà máy chưa tạo được sự gắn kết với người trồng để phát triển vùng nguyên liệu ổn định và tăng năng suất, chất lượng. Trong khi đó, trên 46% diện tích tre, luồng hiện nay đang bị thoái hóa do cường độ khai thác quá mức, không được chăm sóc.

Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: "Chúng ta phải quy hoạch tập trung, tổ chức lại sản xuất.Tất cả các hộ, chủ rừng liên kết lại thành HTX, vùng sản xuất tiêu chuẩn FSC".

Để phát triển chuỗi giá trị tre luồng, cùng với tổ chức sản xuất tập trung, cần chú trọng đầu tư về giống, thâm canh, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm để có thể hội nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tiềm năng phát triển chuỗi giá trị tre luồng Thanh Hóa - Ảnh 5.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng sản xuất tre, luồng, vầu tập trung đạt 112 nghìn ha, trong đó 8% được liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và đến năm 2030 tăng lên 12% .

Nguồn: THNM 25/03/2023