Tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu viên nén gỗ năng lượng

10:15 - 27/09/2022

Viên nén gỗ năng lượng được coi là sản phẩm nhiên liệu xanh, được nhiều quốc gia ưu tiên sử dụng. Với diện tích rừng lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, Thanh Hóa có nhiều lợi thế để phát triển ngành hàng này. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn năng lượng, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ trên thế giới càng tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đầu năm 2022, Công ty TNHH Văn Lang Yufukuya đã mạnh dạn đầu tư hơn 50 tỷ đồng để đổi mới toàn bộ dây chuyền, máy móc sản xuất với 6 đầu ép có công nghệ hiện đại, công suất lên tới 150.000 tấn viên nén gỗ năng lượng 1 năm, tăng gấp đôi so với dây chuyền cũ. Hiện tại, 100% sản phẩm của công ty được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... với các hợp đồng đã ký từ 1-5 năm. Ông Lang Văn In, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Văn Lang Yufukuya, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Những thị trường lớn như Nhật và EU có yêu cầu rất cao về sản phẩm có chứng nhận về phát triển bền vững. Chúng tôi đang triển khai liên kết với các nhà máy vệ tinh ở các tuyến huyện và tới đây chúng tôi có kế hoạch các nhà máy vệ tinh sẽ hợp tác với các hộ dân để xin cấp các chứng chỉ như FSC, PTFC. Điều này không chỉ có lợi cho người dân trồng rừng mà cho cả hệ thống sản xuất, vì sản phẩm có chứng chỉ thì được đánh giá cao và có giá tốt hơn".

Tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu viên nén gỗ năng lượng - Ảnh 2.

Thanh Hóa hiện có gần 400 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản, nhưng sản phẩm chủ yếu ở dạng thô như dăm gỗ, ván ép... nên giá trị không cao. Toàn tỉnh mới chỉ có 4-5 doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ năng lượng, nhưng công suất nhỏ. Trong khi đó, Thanh Hóa hiện có hơn 230.000 ha rừng sản xuất và hàng năm phát triển thêm được trên 10.000 ha rừng trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến lâm sản của Thanh Hóa thay đổi, tìm hướng phát triển trong ngành hàng này.

Tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu viên nén gỗ năng lượng - Ảnh 3.

Ông Imamura Kenichirou, Giám đốc điều hành Công ty Aso Shoji Nhật Bản

Ông Imamura Kenichirou, Giám đốc điều hành Công ty Aso Shoji Nhật Bản cho biết: "Nhật Bản ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu khí hậu. Chính vì vậy, những nguồn nguyên liệu sạch như viên nén gỗ năng lượng đang là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Tôi đã đi tham quan cảng Nghi Sơn của Thanh Hóa. Tôi nghĩ nếu chúng tôi nhập khẩu mặt này từ các doanh nghiệp tại Thanh Hóa thì việc vận chuyển sẽ rất thuận lợi. Đấy cũng là tiêu chí để chúng tôi tìm kiếm doanh nghiệp để hợp tác nhập khẩu sản phẩm này".

Việt Nam hiện là nhà cung cấp viên nén gỗ năng lượng lớn thứ hai thế giới với lượng xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn trong năm 2021. Nhu cầu viên nén gỗ sinh khối của thế giới đang là 12 – 15 triệu tấn/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 50 triệu tấn. Với những lợi thế về nguồn nguyên liệu và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm viên nén gỗ năng lượng, đây sẽ là ngành hàng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển.



Nguồn: Bản tin THNM ngày 27/9/2022