Tiếng gọi Mùa Xuân

19:47 - 20/11/2022

Bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy là một trong những bản làng xa xôi, khó khăn nhất của huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Suốt nhiều thập niên qua, các thế hệ giáo viên đã lên với Mùa Xuân, cần mẫn gieo chữ, và cũng là gieo tương lai, hy vọng cho những cô bé, cậu bé người Mông nơi đây.

Vài năm về trước, Mùa Xuân vẫn còn là bản "3 không": không điện, không đường, không internet. Còn bây giờ, bản làng này đã đổi thay. Cuối năm 2021, Mùa Xuân được đón điện lưới quốc gia. Đầu năm 2022, UBND huyện Quan Sơn khởi công đường giao thông nội bản Ché Lầu và Mùa Xuân. Con đường đến lớp đã thuận lợi hơn rất nhiều; các giáo viên tại Mùa Xuân bắt đầu được tiếp cận với những phương tiện hiện đại phục vụ giảng dạy.

Tiếng gọi Mùa Xuân - Ảnh 2.

Một buổi học của thầy trò tại điểm trường Mùa Xuân

Điểm trường Mùa Xuân hiện có 5 lớp với 83 học sinh, toàn là trẻ em người Mông. Trước kia, giáo viên chủ yếu là người Kinh. Hiện tại, trong 5 thầy giáo căm bản, có 4 thầy là người Mông, 1 thầy là người Thái. Việc "đồng ngôn ngữ" giúp các thầy truyền đạt kiến thức cho học sinh thuận lợi hơn.

Tiếng gọi Mùa Xuân - Ảnh 3.

Thầy giáo Sung Văn Di - Điểm trường Mùa Xuân, Trường TH Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Sung Văn Di - Điểm trường Mùa Xuân, Trường TH Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Khó nhất trong dạy học cho học sinh Mông, là khi mới vào lớp 1, lớp 2, các con không nói được tiếng Kinh. Do vậy, thầy giáo vừa dạy bằng tiếng Mông, vừa dạy bằng tiếng Kinh sẽ giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn".

Dăm năm về trước, mỗi năm học mới, các giáo viên điểm trường Mùa Xuân thường phải vào từng nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Giờ đây, khi có đường, có điện, nhận thức được nâng cao, người dân đều tự nguyện cho con em đi học. 100% trẻ em của bản trong độ tuổi đều được đến trường.

Dù đã có những đổi thay tích cực, song điều kiện dạy và học ở Mùa Xuân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các phòng học bằng gỗ được cải tạo lại, diện tích chỉ có 20m2 nên khá chật chội. Trang thiết bị thiếu thốn. Điều kiện sinh hoạt của giáo viên còn khá vất vả.  Dẫu vậy, lòng thương trẻ, mến trường và tình yêu nghề vẫn là động lực, là tiếng gọi thiêng liêng để các thầy vượt qua tất cả, tiếp tục sự nghiệp gieo chữ trên vùng non cao này. 

Tiếng gọi Mùa Xuân - Ảnh 4.

Các học trò nhỏ của điểm trường Mùa Xuân chúc mừng thầy cô bằng những tiết mục văn nghệ "tự biên tự diễn"

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, các học trò nhỏ của điểm trường Mùa Xuân chúc mừng thầy cô bằng những tiết mục văn nghệ "tự biên tự diễn" hồn nhiên. Mái trường  nơi biên viễn rộn ràng lời ca, điệu múa trẻ thơ, như thúc giục những thế hệ thầy cô lên với Mùa Xuân, lên với những bản làng xa xôi nhất của xứ Thanh, tiếp tục sự nghiệp trồng người cao quý.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 20/11