Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh

08:39 - 17/09/2023

Qua 9 năm triển thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, đưa hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của địa phương, đơn vị mình. Qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bám sát Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hàng năm, thị xã Bỉm Sơn đều ưu tiên cân đối bố trí nguồn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách đến người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguồn vốn vay. 

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh - Ảnh 2.

Mô hình trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Trịnh Thị Phương ở phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã đạt hơn 123 tỷ đồng, với 2.046 khách hàng vay đang vay vốn. Bà Trịnh Thị Phương ở phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn cho biết gia đình bà vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, hiện giờ đã có 7 lợn mẹ, 50 con lợn con, tới đây gia đình mong muốn tiếp cận thêm vốn xây để nuôi thêm trang trại gà. Ông Mai Thế Trị, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết thêm: thị xã Bỉm Sơn coi việc thực hiện tín dụng là việc làm thường xuyên trong thực hiện đề án, kế hoạch để phát triển kinh tế và luôn chỉ đạo hỗ trợ hồ sơ giải ngân nguồn vốn, tăng cường kiểm tra và đặc biệt tư vấn để các đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện hiệu quả nguồn vốn.

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua 9 năm triển khai, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp tạo điều kiện cho ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chuyển tải kịp thời, có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng đến 100% đối tượng thụ hưởng. Đến hết tháng 8/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 13.063 tỷ đồng, tăng 6.072 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Doanh số cho vay từ khi thực hiện chỉ thị 40 đến nay đạt 30.093 tỷ đồng, với hơn 859 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh - Ảnh 4.

Ông Mai Văn Quyên, Bí thư Đảng uỷ xã Nga Thành, huyện Nga Sơn cho biết: "Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các tổ chức được uỷ thác vốn vay tăng cường rà soát nắm bắt đối tượng vay vốn và trên cơ sở khi giải ngân thì thường xuyên kiểm tra sử dụng vốn vay hiệu quả, đồng thời huy động các doanh nghiệp, cá nhân tăng cường gửi tiết kiệm để tăng nguồn chính sách xa hội". Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Bỉm Sơn cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho thị xã tiếp tục quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn và tổ chức tuyên truyền vận động tốt chính sách tín dụng, kiểm tra giám sát hiệu quả và tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách".

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh - Ảnh 5.

Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai Chỉ thị 40, vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn chính sách địa phương uỷ thác sang ngân hàng chính sách mới chỉ chiếm tỷ lệ 3,85% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh. Chất lượng tín dụng tại một số địa phương, đơn vị còn thấp. Do đó mới đây, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã có công văn chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Qua đó tiếp sức nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 17/9/2023