Tìm về vùng đất sử thi

20:07 - 23/01/2023

Ngày xuân đến với Ngọc Lặc nơi có đông đồng bào Mường chung sống, thưởng ngoạn Di tích văn hóa lịch sử hang Bàn Bù, hòa mình vào không khí tươi vui của trò diễn Pồn Pông để thêm yêu, thêm hiểu, trân trọng giá trị văn hóa tốt đẹp tự bao đời đã trầm tích bồi đắp nên hồn cốt của vùng đất sử thi đẻ đất đẻ nước.

Ngọc Lặc- vùng đất có tới 70% số dân là đồng bào dân tộc Mường lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo: những khúc hát ru, những câu chuyện kể, những trò chơi, trò diễn dân gian, những trang sử thi hào hùng về mỗi vùng đất, những con người đã góp công, góp sức trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, dựng xây làng, bản…

Tìm về vùng đất sử thi - Ảnh 2.

Nơi đây có hang Bàn Bù (thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê, nay thuộc Thị trấn Ngọc Lặc), nơi tập hợp quân sỹ và chế tạo vũ khí; đồng thời là phòng tuyến giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh, tiêu biểu là trận đánh vào tháng 11 năm 1420. Xưa, khu vực hang Bàn Bù được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho người dân nơi đây tổ chức ăn mừng chiến thắng vào tháng Giêng hằng năm. Nay, nhất là từ khi được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, nơi đây thường diễn ra lễ hội truyền thống với nghi thức rước nước độc đáo.

Ngày xuân đến với Ngọc Lặc, chắc chắn mọi người sẽ được hòa mình vào trò diễn Pồn Pông. Mới đây, trò diễn Pồn Pông của xã Cao Ngọc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Đây chính là điều kiện thuận lợi để địa phương có thêm nhiều cơ hội quảng bá và phát huy giá trị di sản. Để con cháu hôm nay và mai sau cũng như bạn bè muôn nơi thêm hiểu về một loại hình di sản tái hiện cuộc sống của người Mường cổ thông qua sử thi "Đẻ đất, đẻ nước".

Tìm về vùng đất sử thi - Ảnh 3.

Biểu diễn Pồn Pông; lắng nghe lời ca, lời kể cũng là lúc mọi người như kết nối vào trong đời sống tâm hồn của người Mường thông qua các động tác mô phỏng lao động, sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm giữ gìn sự bình yên của quê hương, bờ cõi. Mỗi trò diễn, mỗi câu hát trong hội Pồn Pông hôm nay như lời thì thầm và nhắn nhủ của ông cha xưa thêm tin yêu, tự hào và bồi đắp tiếp giá trị văn hóa truyền thống.

Trên khắp mọi nẻo đường, mỗi thôn xóm của đất Mường hôm nay, đâu đâu cũng ngập tràn những lời ca, tiếng hát, tiếng cồng, chiêng. Miền Tây xứ Thanh với những tên đất, tên người gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quê hương, đất nước. Ngày xuân tìm về vùng đất sử thi, tìm về cội nguồn dân tộc, để thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp mà bao đời cha ông đã dày công tạo dựng, đắp bồi.

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 23.1.2023