Tín dụng chính sách - Trụ cột trong giảm nghèo tại Thanh Hóa

Ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua 20 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Thanh Hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng vào giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nhiều năm trước đây, gia đình bà Vi Thị Thuận từng là một trong những hộ nghèo nhất ở thôn Lâu Quán, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân. Năm 2018, gia đình bà được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội. Có vốn, bà đầu tư nuôi trâu và trồng luồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được sự hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, đến nay, gia đình bà đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Tín dụng chính sách - Trụ cột trong giảm nghèo tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có dư nợ cho vay học sinh sinh viên đứng đầu cả nước. Với tinh thần không để bất kỳ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí, 20 năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội Thanh Hóa đã "tiếp sức" cho hơn 448 nghìn lượt học sinh sinh viên nghèo đến trường.

Tín dụng chính sách - Trụ cột trong giảm nghèo tại Thanh Hóa - Ảnh 3.

Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa đã thực hiện cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/8/2022 đạt trên 11.898 tỷ đồng, tăng 11.461 tỷ đồng so với năm 2002. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 321 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hàng trăm nghìn lao động có việc làm; xây dựng nhiều công trình nước sạch, vệ sinh, nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm từ 35,72% vào năm 2001 xuống còn 1,51% trong năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều. 

Tín dụng chính sách - Trụ cột trong giảm nghèo tại Thanh Hóa - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Thi  - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung các nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo hướng phù hợp các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng địa phương, trong từng giai đoạn; đảm bảo tính ổn định, bền vững. Nâng cao hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tín dụng, gắn với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của Nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại trong quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách".

Tín dụng chính sách - Trụ cột trong giảm nghèo tại Thanh Hóa - Ảnh 5.

Với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Những thành quả và bài học kinh nghiệm được tạo dựng trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Qua đó đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là trụ cột quan trọng trong công tác giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 18/9/2022