Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản

08:24 - 15/05/2023

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản ngay trong tháng 5 này. Các doanh nghiệp chế biến lâm, thủy sản Thanh Hóa kỳ vọng sẽ được ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn về lãi suất để phục hồi và phát triển.

Công ty TNHH Xuất khẩu Thuỷ sản EXPT có kế hoạch xuất khẩu 300 tấn thành phẩm mực sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để thực hiên, doanh nghiệp cần nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý để thu mua nguyên liệu, đảm bảo cho sản xuất.

Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Xuất khẩu Thuỷ sản EXPT, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Xuất khẩu Thuỷ sản EXPT, tỉnh Thanh Hóa cho biết, dựa vào nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp có thể vận hành nhà máy hoạt động ổn định và tạo việc làm cho người lao động cũng như có sự điều chỉnh, sắp xếp được việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy.

Lạm phát gia tăng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành chế biến lâm sản, thủy sản của Thanh Hóa. Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được 30 - 40% công suất. Cá biệt có doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng, đơn giá giảm mạnh.

Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản - Ảnh 3.

Thời điểm này, nhu cầu vốn đang trở nên cấp thiết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm, thuỷ sản. Họ cần vốn để duy trì sản xuất, vốn để thu mua nguyên liệu, vốn để phát triển thị trường, tìm kiếm đơn hàng. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, lãi suất mặc dù có giảm nhưng mặt bằng lãi suất so với trước vẫn cao. Với tình hình khó khăn như hiện nay, mức lãi suất này là cản trở để khách hàng mạnh dạn đầu tư vay vốn sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản Thanh Hóa cho biết, đơn hàng xuất khẩu của tháng 5 đã có tín hiệu khả quan khi các khách hàng từ thị trường chủ lực tăng đặt hàng khoảng 5%. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong chờ, với chỉ đạo từ Chính phủ, thời gian tới, họ sẽ được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hơn để chuẩn bị nguyên vật liệu, ổn định sản xuất, trả lương cho người lao động, chờ đợi cơ hội phục hồi vào nửa cuối năm.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV