"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"

10:21 - 10/12/2023

Thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn công nghệ Bkav cho thấy, có đến 63% người dùng mạng internet của Việt Nam thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó, khoảng 40% là nạn nhân hằng ngày. Tin giả, tin sai sự thật đang là vấn nạn đáng lo ngại, nhất là khi nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển với những thuật toán nhận diện xu hướng quan tâm của người dùng tinh vi hơn, nhưng màng lọc thông tin thì lại ít tác dụng hơn. Vậy tin giả, tin sai sự thật đã gây ra những hậu quả gì trên thực tế, và làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn chúng? Hãy cùng chúng tôi phân tích sâu hơn trong chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay với chủ đề "Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột".

Tin giả và những hệ lụy khó lường

Mặc dù khởi phát trên mạng ảo, nhưng tin giả lại mang đến những hậu quả tiêu cực thực tế. Đó không chỉ là hậu quả đối với một cá nhân, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cả một tập thể, một địa phương mà bao người đã đổ công, dồn sức trong nhiều năm xây dựng.

"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Cẩm ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, một nạn nhân của tin giả cho biết: cuộc sống của mình bị đảo lộn chỉ vì một bài đăng ác ý trên không gian mạng. Đáng buồn hơn là ánh nhìn kỳ thị của mọi người xung quanh cũng đã gây áp lực lên chính người thân trong gia đình cô.

Chị Nguyễn Thị Cẩm, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Thông tin sai sự thật trên mạng ảo như một con virus, nhanh chóng lây lan và làm nhiễm độc thông tin về cả 1 vùng đất đang nỗ lực xây dựng hình ảnh khu du lịch xanh, văn minh, thân thiện với du khách. Anh Quách Văn Linh, Giám đốc điều hành Pù Luông Casa resort, huyện Bá Thước cũng bày tỏ: "Tôi thấy các đối tác hỏi rất nhiều và tôi cảm thấy sẽ có ảnh hưởng nếu không được minh bạch thông tin, điều tra chính xác và công bố rõ ràng".

Hậu quả ghê gớm là vậy, nhưng thực tế, những tin giả như thông tin cô gái nhiễm HIV tại huyện Bá Thước không phải là chuyện hiếm gặp. Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận gần 3.000 lượt báo cáo tin giả, chưa kể những tin giả được phát tán mà không có sự báo cáo đến cơ quan chức năng.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện ở mọi mặt đời sống xã hội, được các đối tượng triệt để lợi dụng nhằm nhiều mục đích như lừa đảo, câu tương tác, theo dõi để được nổi tiếng, bán hàng online, nguy hiểm hơn là để xuyên tạc, hạ uy tín, tạo tâm lý hoài nghi trong quần chúng Nhân dân, thổi phồng các vụ việc, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước. Một bộ phận người dân thì đã tin theo những thông tin này".

"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"- Ảnh 2.

Theo lực lượng Công an, đáng lo ngại nhất là tin giả, tin sai sự thật thường được che đậy khéo léo bằng thủ đoạn lồng ghép thật – giả lẫn lộn, trong cái sai có cái đúng, cái thực tế. Do đó, khi đọc thấy thông tin, người dùng có xu hướng tin và chia sẻ ngay, khiến mức độ phổ biến của thông tin này được mở rộng. Và khi cái sai trở nên quá phổ biến, theo tâm lý thường thức, thông tin sai lại trở thành thông tin đúng.

Xử lý tin giả - trách nhiệm của cơ quan chức năng

Nhiều chuyên gia tâm lý học và xã hội học thống nhất quan điểm "Tung tin giả giống như một hành vi mang tính phi đạo đức với động cơ chính là trục lợi, tạo hiệu ứng phục vụ cho lợi ích của cá nhân, tập thể tung tin giả". Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả đang thực sự tạo ra nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật về chính trị, kinh tế . Như nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Nga hay Singapore, Việt Nam cũng đã thiết lập nhiều công cụ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sàng lọc, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật.

Nhận thức sâu sắc việc phát tán, lan truyền tin giả, tin sai sự thật thông qua mạng xã hội là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất an ninh trật tự và bất ổn xã hội, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Từ đây, Ban chỉ đạo 35 các cấp được thành lập với vai trò là nòng cốt tham mưu, điều phối hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, xấu, độc. 

"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"- Ảnh 3.

Tại Thanh Hóa, Ban chỉ đạo 35 được thành lập và kiện toàn tại tất cả cơ quan, đơn vị và các địa phương, kịp thời tham mưu tuyên truyền, đấu tranh, bóc gỡ hàng trăm bài viết sai sự thật, hàng chục trang fanpage, facebook, blog cá nhân đăng tải thông tin sai trái. Qua đó, góp phần ổn định tư tưởng trong đội ngũ Đảng viên và quần chúng Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Bà Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Đối với Ban chỉ đạo 35, các thành viên cần bám sát không gian mạng để kịp thời phát hiện, nắm được các thông tin sai sự thật. Ban chỉ đạo 35 có nhiều giải pháp như đồng thời báo cáo các trang vi phạm, đồng thời lan tỏa thông tin bằng hệ thống trang mạng của Ban Chỉ đạo 35 và đặc biệt là sự vào cuộc của các trang báo chí chính thống trong việc đăng tải thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận".

Về hành lang pháp lý, trước năm 2013, Việt Nam không có quy định nào về quản lý thông tin trực tuyến, nhưng hiện nay đã có nhiều quy định xử lý tin sai sự thật tại các Luật như Luật An ninh mạng, Luật Hình sự và các nghị định quy định việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ internet, thông tin trực tuyến, quảng cáo xuyên biên giới...Việc thực hiện các chế tài xử lý hành vi đăng tải, phát tán thông tin giả, tin sai sự thật được giao cho 02 cơ quan chức năng chính là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"- Ảnh 4.

Tại Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng và có bộ phận thường trực làm nhiệm vụ này. Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC của tỉnh có tích hợp phần mềm phân hệ tổng hợp, phân tích báo chí, mạng xã hội, từ đó cảnh báo kịp thời các thông tin có nguy cơ là thông tin giả, tin sai sự thật. Ông Nguyễn Xuân Kiên, Chánh thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết: "Với chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông là định danh người dùng mạng xã hội, chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp công nghệ nhằm rà quét, phân tích dữ liệu làm căn cứ xử lý tin giả, tin sai sự thật nhanh chóng; đồng thời phát triển hiệu quả đường dây nóng tố giác hành vi vi phạm và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh".

Bám sát diễn biến thông tin trên môi trường mạng, đồng thời làm tốt công tác nắm địa bàn, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan là chìa khóa để các chiến sỹ an ninh luôn hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh, xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, đơn vị đã xác minh, làm rõ... vụ với ... đối tượng đăng thông tin xấu, độc; hướng dẫn đội nghiệp vụ Công an các địa phương xử lý ... trường hợp lợi dụng mạng xã hội đăng tải tin đồn thất thiệt.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa

Chống tin giả, tin sai sự thật: Hãy là người chia sẻ có trách nhiệm

Chúng ta đã có một hành lang pháp lý đầy đủ để xử lý tin giả, cũng có những cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ để thực thi pháp luật nhằm răn đe thích đáng những kẻ gieo rắc hoang mang cho dư luận. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tin giả, tin sai sự thật vẫn còn đất sống? Và câu trả lời, nằm ở chính chúng ta, những người dân đang tiếp cận từng ngày, từng giờ với thông tin trên mạng xã hội.

Ảnh hưởng tâm lý đám đông cùng mong muốn có nhiều lượt thích, lượt bình luận đã khiến nhiều người đăng tải lại thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân. Để rồi khi bị lực lượng Công an triệu tập làm việc, sự mong muốn lượt tương tác ảo đã nhường chỗ cho sự ăn năn, day dứt.

"Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng cú click chuột"- Ảnh 5.

Một người đăng tải lại tin đồn cho biết: "Trong lúc lướt mạng xã hội thì thấy bạn bè rồi nhiều người đăng bài, tôi cũng copy về trên trang cá nhân. Lúc bị cơ quan Công an triệu tập làm việc tôi cũng lo sợ, mà áy náy vì mình chưa biết bạn đó là ai mà lại nói về bạn đó như thế".

Hiện nay, người dùng internet đang hình thành thói quen đọc lướt, cùng tâm lý dễ tin vào những điều có nhiều người thích hay chia sẻ nên vội vàng đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin mà không cần kiểm chứng, suy xét thấu đáo, nhất là đối với những thông tin nóng, gây sốc. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội không cung cấp đủ công cụ để ngăn chặn, sàng lọc tất cả tin giả và sự vào cuộc của cơ quan chức năng luôn có độ trễ hơn so với tốc độ lan truyền tin sai sự thật. Bởi vậy, để chống tin giả, tin sai sự thật, quan trọng nhất là người dùng cần phải tự xây dựng màng lọc thông tin cho chính bản thân mình.

Các dấu hiệu nhận biết tin giả, tin sai sự thật là:

1. Có tiêu đề giật gân, gây shock, nội dung thông tin mới lạ, tập trung 1 vấn đề nóng mà đang được dư luận quan tâm.

2. Không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng;

3. Nội dung thông tin không rõ, không cụ thể hình ảnh, con người;

4. Hình ảnh thường có dấu hiệu được chỉnh sửa, cắt ghép

Theo Nghị định 15 của Chính phủ, người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt hành chính từ mức 5 – 10 triệu đồng. Trường hợp tung tin mục đích thu lợi bất chính gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể từ 3 tháng đến 7 năm tù, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi.

Như vậy, giá phải trả cho 1 cú click chuột sai lầm trên mạng xã hội là không hề rẻ. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là một người chia sẻ thông tin có trách nhiệm.

Nguồn: Chuyê mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày4/12/2023