Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

19:36 - 25/09/2022

Thiếu giáo viên là bài toán khó đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua. Đến năm học này, tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng, diễn ra ở tất cả các cấp học.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra phổ biến tại các huyện, thị, thành phố, ở tất cả các cấp học trên địa bàn Thanh Hóa. Tính đến tháng 8 năm 2022, toàn tỉnh thiếu 10.276 giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; còn nếu tính theo định mức quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì thiếu gần 6.500 giáo viên. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên khối mầm non, tiểu học. Những môn thiếu nhiều giáo viên nhất là Tiếng Anh, Tin học ở khối tiểu học.

Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên  - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên: Do Trung ương giao chỉ tiêu biên chế cho Thanh Hóa thấp hơn so với định mức; do trong nhiều năm, nhiều địa phương không tuyển dụng giáo viên bổ sung thay thế cho số giáo viên nghỉ chế độ, trong khi đó, hàng năm, vẫn phải cắt giảm chỉ tiêu biên chế theo chỉ đạo chung của Chính phủ; do chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thay đổi cơ cấu môn học nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ... Và còn một nguyên nhân quan trọng đó là tổng số học sinh, quy mô trường/lớp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao qua các năm. 

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Thanh Hóa tăng từ 15.000 đến 20.000 học sinh các cấp. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa có gần 914.500 học sinh, với 30.229 nhóm, lớp. So với năm học trước, số lượng học sinh tăng đột biến, tăng gần 24.000 học sinh và tăng 795 nhóm, lớp. Đặc biệt, riêng khối tiểu học tăng 421 lớp. Nhiều địa phương có số lượng học sinh tăng cao qua các năm như thành phố Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa..., mỗi năm tăng trung bình từ 1.000 đến 2.000 học sinh. Trong khi đó, tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành không thay đổi, vẫn duy trì ở con số hơn 53.000 người.

Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và càng khó khăn hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên  - Ảnh 3.

Do thiếu giáo viên tiếng Anh nên mỗi tuần, cô Trần Thị Việt Hương, trường Tiểu học Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc phải dạy 28 tiết, nhiều hơn 5 tiết so với quy định. Trường có 1 khu chính và 2 điểm lẻ nên hàng ngày, cô Hương phải thường xuyên di chuyển giữa các điểm trường. Mặc dù rất thương học trò và chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của các em nhưng bản thân cô và Ban giám hiệu không thể bố trí dạy đủ giờ theo quy định, càng không thể dành thời gian bồi dưỡng, ôn luyện thêm các kỹ năng cho học sinh. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.

Cô giáo Trần Thị Việt Hương - Trường Tiểu học Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Theo quy định, tiếng Anh từ khối 3 đến khối 5 phải học 4 tiết/tuần nhưng thiếu giáo viên nên học sinh chỉ được học 2 tiết/tuần. Đó là thiệt thòi rất lớn cho các em học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các em không có điều kiện học thêm, mà chỉ học trên lớp với cô. Các em không được phát triển đầy đủ các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết".

Cũng vì thiếu giáo viên nên mặc dù đã có phòng học được trang bị máy vi tính, thiết bị, đường truyền Internet... nhưng nhiều năm nay, học sinh trường Tiểu học Hoằng Phụ chưa được học Tin học. Đến năm học này, Tin học là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 nhưng trường vẫn chưa có giáo viên. Với khối THPT, năm nay là năm đầu tiên bộ môn Nghệ thuật được đưa vào danh mục môn học tự chọn đối với lớp 10 nhưng hiện tại, hầu hết các trường công lập đều chưa có giáo viên dạy môn học này.

Không đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm, nhiều trường phải dồn lớp, khiến sĩ số lớp tăng cao. Ở nhiều trường tiểu học, sĩ số lên tới gần 50 học sinh/lớp, cao hơn nhiều so với quy định. Trong khi ngành giáo dục đang đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giảm sĩ số lớp học, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, thì việc học sinh đông, phải dạy vượt số tiết quy định... đang gây không ít áp lực cho giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học.

Trước sự thiếu hụt rất lớn số lượng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên cho tỉnh Thanh Hóa. Tháng 7/2022, tỉnh đã được Bộ Chính trị giao bổ sung 1.681 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Như vậy, cùng với hơn 650 chỉ tiêu tỉnh giao năm 2022 mà các địa phương chưa tuyển dụng, năm học này, ngành giáo dục Thanh Hóa sẽ có thêm hơn 2.330 biên chế giáo viên. Song, cho dù tuyển đủ số chỉ tiêu này, toàn tỉnh vẫn thiếu gần 4.200 giáo viên so với quy định của tỉnh và thiếu gần 8.000 giáo viên so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên  - Ảnh 4.

Ngay sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Trong đó, khối mầm non, ưu tiên tuyển hết số giáo viên đã hợp đồng lao động theo các văn bản của Chính phủ; ddối với khối tiểu học, ưu tiên tuyển giáo viên các môn Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ; và đối với THPT, ưu tiên tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để kịp thời đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, các địa phương thực hiện điều động, biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu; bố trí giáo viên dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện. Các nhà trường động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi; có kế hoạch hợp đồng lao động số giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề tham gia giảng dạy các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên.

Các huyện miền núi cũng đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xóa các điểm trường lẻ để giảm số lượng nhóm, lớp. Sở Giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để đào tạo giáo viên, tạo nguồn tuyển dụng cho các địa phương.

Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên  - Ảnh 5.

Ông Lê Kim Quý - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

Ông Lê Kim Quý - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: "Trung bình mỗi năm, Thanh Hóa có khoảng 500 sinh viên tốt nghiệp sư phạm tại các cơ sở đào tạo trên cả nước. Riêng năm 2025, tăng đột biến, có khoảng 1.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Nguồn lực này sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của giáo viên trong những năm tiếp theo".

Về lâu dài, nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, tháng 6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Đề án đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025, hằng năm tuyển dụng đủ số lượng, đảm bảo về cơ cấu đội ngũ giáo viên từng môn học, cấp học theo chỉ tiêu biên chế được giao; đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, cân đối cơ cấu môn học trong mỗi cấp học; bố trí đủ giáo viên dạy 02 buổi/ngày đối với cấp tiểu học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh". Mong rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, bằng những giải pháp cụ thể trước mắt cũng như lâu dài, tình trạng thiếu giáo viên tại Thanh Hóa sẽ dần được khắc phục. 

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 25/9