Tỉnh Thanh Hoá quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

08:40 - 29/05/2023

Tại bảng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 vừa được công bố, tỉnh Thanh Hoá đã xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả này khẳng định nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc quan tâm, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Và trên thực tế, thời gian qua nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được tỉnh triển khai kịp thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương.

Dành nguồn kinh phí để triển khai miễn phí các chương trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự doanh nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một trong những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đang được tỉnh Thanh Hoá triển khai hiệu quả, và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp đào tạo bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự doanh nghiệp cho hàng nghìn lượt học viên. Năm 2023, tỉnh tiếp tục dành kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, tổ chức hơn 150 lớp đào tạo, giúp các doanh nghiệp bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức bổ ích, thiết thực về quản trị kinh doanh, từ đó có những bước đi vững chắc trên thương trường. 

Tỉnh Thanh Hoá quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Tạ Ngọc Thành, Quản lý chuỗi siêu thị Tom và Jerry, tỉnh Thanh Hoá

Ông Tạ Ngọc Thành, Quản lý chuỗi siêu thị Tom và Jerry, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua những lớp tập huấn như này mang lại rất nhiều bổ ích, bản thân tôi có thể đúc rút được nhiều kinh nghiệm cũng như có thêm nhiều kiến thức để cải thiện hơn trong quá trình quản trị doanh nghiệp, quản trị về nhân sự, dòng tiền, nguồn hàng."

 Cùng với việc thực thi, vận dụng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp của Trung ương, Thanh Hoá đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, mỗi năm tỉnh đều dành hàng chục tỷ đồng để triển khai các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nổi bật như các chính sách hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số và xây dựng doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới…Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Tỉnh Thanh Hoá quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp - Ảnh 3.

Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành, địa phương cũng đã liên tục tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục duy trì lịch tiếp doanh nghiệp hàng tháng và trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong các vấn đề nóng như: phòng cháy chữa cháy, bảm đảm vật liệu thi công các công trình dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các chính sách thuế, tiếp cận vốn ngân hàng…

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, những năm gần đây, Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu cả nước về thành lập và phát triển doanh nghiệp. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 3.700 doanh nghiệp thành lập mới, gần 1.300 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động. 5 tháng năm 2023, ước có 1.045 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Tỉnh Thanh Hoá quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp - Ảnh 5.

Sự quan tâm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh đã tạo ra động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập mới từ 15.000 doanh nghiệp trở lên trong giai đoạn 2020 – 2025.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV