Tỉnh Thanh Hoá quan tâm phát triển giáo dục khu vực miền núi
Những năm qua, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của toàn xã hội, chất lượng giáo dục các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá ngày càng được nâng cao, từng bước rút ngắn khoảng cách với giáo dục miền xuôi.
Mặc dù nằm trên địa bàn khó khăn của huyện Như Thanh, lại có tới 2 điểm lẻ cách xa trung tâm, nhưng những năm gần đây, trường Tiểu học xã Phượng Nghi luôn giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Năm học vừa qua, lần đầu tiên nhà trường vươn lên vị trí thứ 9 trên tổng số 18 trường tiểu học về kết quả giao lưu học sinh giỏi cấp huyện, tăng 4 bậc so với năm học trước.

Sự nỗ lực của từng cán bộ, giáo viên, học sinh, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và toàn xã hội đã mang lại những đổi thay tích cực cho giáo dục của huyện miền núi Như Thanh. Đến nay, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia của huyện đã đạt trên 95%, thuộc tốp đầu các huyện miền núi và cao hơn bình quân chung của tỉnh.


Cô giáo Bùi Thị Quyến, Trường Tiểu học Phượng Nghi, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá
Cô giáo Bùi Thị Quyến, Trường Tiểu học Phượng Nghi, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Ngay từ những giờ học đầu tiên, cô trò đã rất nghiêm túc thực hiện nội quy, rèn cho các con tính kỷ luật, tự giác. Trong năm học này, chúng tôi mong muốn không chỉ trang bị cho các con kiến thức mà còn giúp các con có thêm nhiều kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học".
Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá
Tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục khu vực miền núi; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đến người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi…

Hiện nay, toàn tỉnh có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%. Nhiều huyện có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia cao hơn bình quân chung của tỉnh. Hàng năm, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thuộc các trường khu vực miền núi ngày càng cao; điểm trúng tuyển vào lớp 10 của các huyện miền núi cũng được nâng lên. Đặc biệt, đã có trường THPT khu vực miền núi có học sinh giỏi quốc gia, nhiều trường THCS có học sinh thi đỗ vào trường THPT chuyên Lam Sơn.

Ông Đỗ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Phát huy những kết quả đã đạt được của năm học trước, khắc phục những hạn chế, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới công tác dạy học, kiểm tra đánh giá, phát hiện, đào tạo học sinh giỏi, tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học".


Bà Quách Thị Tươi, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá
Bà Quách Thị Tươi, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa xây dựng nông thôn mới, vừa xây dựng trường chuẩn quốc gia. Do vậy, huyện đã tập trung để lãnh đạo các nhà trường phát huy tốt công năng sử dụng các công trình, trang thiết bị trong năm học mới này, để mang lại kết quả học tập tốt".
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển giáo dục ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ giáo viên có nơi còn thiếu về số lượng; nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018… Điều đó đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền các cấp và ngành giáo dục cần tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho sự nghiệp giáo dục miền núi phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách với giáo dục miền xuôi.
