Tổ công nghệ số cộng đồng - Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương

21:42 - 08/07/2023

Với lợi thế "gần dân, sát dân" và với sự nhiệt tình, trách nhiệm, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, giúp người dân tương tác với chính quyền dễ dàng hơn và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở. Ghi nhận của phóng viên tại huyện Như Xuân.

Tính đến ngày 18/6 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện, về đích trước thời hạn quy định của Bộ Công an. Trong đó Như Xuân được đánh giá là một trong những huyện dẫn đầu về tiến độ thực hiện.

Tổ công nghệ số cộng đồng - Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương - Ảnh 2.

Để có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ công an, còn có sự đồng hành tích cực của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi thôn, bản, khu phố. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu", các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã hỗ trợ lực lượng công an địa phương đặt trước lịch hẹn với bà con; cùng tham gia tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân hiểu về các quyền lợi, tiện ích cũng như trách nhiệm trong việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp. Nhờ vậy, quá trình thực hiện cấp căn cước công dân đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Hưng, tổ công nghệ số cộng đồng khu phố Xuân Thịnh, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân cho biết các thành viên trong đội rất tích cực hỗ trợ người dân trong quá trình làm thẻ căn cước công dân gắn chíp. Với những hộ dân ban ngày đến mà không gặp được thì sẽ đi cả buổi tối, bà con hàng xóm trong quá trình cài đặt mà có chỗ nào không hiểu thì kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ.

Tổ công nghệ số cộng đồng - Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương - Ảnh 3.

Từ tháng 3 năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu phố, thôn, bản. Tại Như Xuân, đến nay toàn huyện đã có 127 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 127 khu phố, thôn, bản với nòng cốt chính là những cán bộ và người dân địa phương.

Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn về kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh, các phần mềm công nghệ; hướng dẫn cách tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số... Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số dần hiện diện nhiều hơn trong các hoạt động và đời sống xã hội của người dân huyện miền núi Như Xuân, giúp bà con thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận với các nền tảng số trong kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tổ công nghệ số cộng đồng - Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Dung, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp – Hương Bài Như Xuân, huyện Như Xuân cho biết: "Sản phẩm hương truyền thống của chúng tôi lâu nay chỉ bán trực tiếp cho người dân trong vùng, Nhưng nay có sự tuyên truyền hướng dẫn của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, chúng tôi sẽ tìm hiểu để đưa sản phẩm bán trên mạng, để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn".

Các Tổ công nghệ số cộng đồng tại huyện Như Xuân là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ huyện, xã đến thôn, bản, khu phố trong việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các địa phương. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, hiện nay không ít thành viên các tổ đều đã lớn tuổi, hạn chế về kỹ năng, kiến thức công nghệ; ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, đa số thành viên các tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; thành viên các tổ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện.

Tổ công nghệ số cộng đồng - Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương - Ảnh 5.

Một rào cản khác trong quá trình chuyển đổi số ở huyện miền núi Như Xuân, đó là đa số người dân làm nông nghiêp, kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng công nghệ không nhiều. Thậm chí nhiều người cũng không sử dụng điện thoại thông minh. Chính điều này đã khiến cho hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng khó đạt được hiệu quả mong muốn.

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Như Xuân là cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện.

Ông Lê Hải Hà, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Xuân

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra những định hướng cụ thể đối với hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong thời gian tới. Trong đó có một số điểm nhấn quan trọng như: cập nhật, bổ sung khóa học về kỹ năng chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng... Hy vọng rằng đây sẽ là cơ sở để Như Xuân nói riêng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung có những kế hoạch, giải pháp thúc đẩy hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đạt hiệu quả hơn nữa.

Nguồn: Chuyên mục chuyển đổi số ngày 8.7.2023