Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Cần 7 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi

09:48 - 26/05/2023

Trong hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York- Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết "khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng" đang đe dọa hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi, bao gồm lãnh thổ của các quốc gia Ethiopia, Eritrea, Somalia, Djibouti, Kenya và Sudan. Theo ông, cần 7 tỷ USD để hỗ trợ cho cư dân của vùng Sừng châu Phi, nơi đang gánh chịu hạn hán kỷ lục.

Người tị nạn ở Mekele (bắc Ethiopia) sống cùng nạn đói. Ảnh minh họa

Người tị nạn ở Mekele (bắc Ethiopia) sống cùng nạn đói. Ảnh minh họa

Tại hội nghị, những cam kết viện trợ dành cho khu vực này đạt mức 2,4 tỷ USD, còn xa mức mục tiêu 7 tỷ USD nói trên. Tổng thư ký Guterres kêu gọi cần phải hành động ngay với tinh thần cấp bách hơn, mạnh mẽ hơn để ngăn tình trạng thảm họa. Số tiền tài trợ sẽ được dùng để cung cấp nhu yếu phẩm và phục vụ nhu cầu y tế cho người dân.

Hơn 40 triệu người tại Ethiopia, Kenya và Somalia đang phải đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục kéo dài. Tình trạng di cư ồ ạt, giá lương thực tăng vọt và gần đây là cuộc giao tranh tại Sudan đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tại khu vực vốn đã chịu bất ổn an ninh do xung đột nhiều năm qua

Trong khi đó Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ước tính tăng trưởng kinh tế ở châu Phi dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2023 và ổn định ở mức 4,3% vào năm 2024, phản ánh khả năng phục hồi của lục địa này trước các cú sốc.

Khả năng phục hồi liên tục này sẽ được củng cố nhờ những cải thiện dự kiến trong điều kiện kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc mở cửa trở lại và điều chỉnh giảm lãi suất khi tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng.

Mặc dù vậy, AfDB cũng lưu ý rằng châu Phi sẽ vẫn phải đối mặt với một số rủi ro suy giảm đối với triển vọng tăng trưởng. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và sự tăng giá của đồng USD đã làm trầm trọng thêm chi phí trả nợ và có thể làm tăng rủi ro nợ xấu, đặc biệt là đối với các quốc gia có tình hình tài khóa khó khăn.

Ngân hàng này cũng chỉ ra rằng tình trạng kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là một rủi ro toàn cầu lớn làm gia tăng sự không chắc chắn và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và chi phí sinh hoạt nói chung. Thêm vào đó là biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục đe dọa cuộc sống, sinh kế của người dân và các hoạt động kinh tế tại châu Phi.

Nguồn: Bản tin TSQT sáng 26/5