Triển khai dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế

09:52 - 26/08/2022

Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) qua thẻ căn cước công dân gắn chip, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh.

Tại Thanh Hóa, tính đến hết tháng 6/2022, số lượng thẻ BHYT được đồng bộ căn cước công dân có gắn chip là gần 1 triệu 500 nghìn người trong tổng số 2 triệu 1 trăm nghìn người dân trên 14 tuổi, đạt tỷ lệ 71%.

Triển khai dùng thẻ căn cước công dân găn chip thay cho thẻ BHYT - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hà Trung từ khi triển khai đến nay đã có hàng nghìn lượt tra cứu thông tin. Khi người dân đến khám chữa bệnh, thay vì xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân thì nay chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip. Nhân viên y tế sau khi tiếp nhận quét thẻ căn cước công dân để nhập thông tin, dữ liệu về BHYT cho bệnh nhân và hướng dẫn, thực hiện các bước khám chữa bệnh. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp tiến tới đơn giản hóa giấy tờ, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh cho người bệnh cũng như đáp ứng lợi ích thiết thực trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở y tế.

Triển khai dùng thẻ căn cước công dân găn chip thay cho thẻ BHYT - Ảnh 2.

BSCKI Nguyễn Thị Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

BSCKI Nguyễn Thị Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 400 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, nếu sử dụng căn cước công dân gắn chíp thì chúng tôi chỉ quét mã là sẽ hiện lên toàn bộ dữ liệu, không mất thời gian gian nhập thông tin vào máy như trước đây, còn người dân không mất thời gian chờ đợi".

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua căn cước công dân còn thấp, trong khi toàn quốc có gần 50% số cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện, tại Thanh Hóa tỷ lệ này mới đạt khoảng 35%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công khi tra cứu thông tin thẻ BHYT trên căn cước công dân còn thấp, Thanh Hóa đạt tỷ lệ trên 41%, trong khi toàn quốc trung bình đạt 51%. Nguyên nhân là do tỷ lệ đồng bộ dữ liệu căn cước công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT chưa đầy đủ, bên cạnh đó máy quét dữ liệu chưa đồng bộ, còn xảy ra tình trạng lỗi phần mềm, không đọc được dữ liệu. Do vậy, các cơ sở khám chữa bệnh đang thực hiện song song việc tiếp nhận thủ tục bằng thẻ căn cước công dân và thẻ BHYT.

Triển khai dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện thị, thành phố thu thập và bổ sung thông tin căn cước công dân, số định danh cá nhân của tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT vào cơ sở dữ liệu của ngành và đẩy mạnh việc tuyên truyền sử dụng CCCD thay thế thế BHYT để người dân được biết; đồng thời phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện".

Căn cước công dân gắn chíp được kỳ vọng sẽ thay thế các loại giấy tờ truyền thống như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đặc biệt là thẻ bảo hiểm y tế khi người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục khám chữa bệnh, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện tiết giảm tối đa. Ngoài việc giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực khám chữa bệnh, việc tích hợp này giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như là một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ, giúp bác sĩ hiểu hơn thông tin của bệnh nhân. 



Nguồn: Bản tin THNM 26/8/2022