Trình diễn nghệ thuật thư pháp và cho chữ Xuân Giáp Thìn 2024

19:47 - 13/02/2024

Sáng ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 Tết), tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức trình diễn nghệ thuật thư pháp Xuân Giáp Thìn 2024. Dự chương trình có các đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Thanh Hóa; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và đông đảo nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Trước khi diễn ra buổi lễ, đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Thanh Hóa cùng đông đảo cán bộ, nhân dân đã dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân dân thành phố Thanh Hóa nguyện đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại và thân thiện.

Tại buổi lễ, những thư pháp gia đã trình diễn nghệ thuật viết thư pháp độc đáo, đặc sắc. Trong đó, có Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bằng những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng tâm, ý, khí, lực của người cầm bút, tiến sỹ Phạm Văn Tuấn đã viết tặng cán bộ, Nhân dân thành phố Thanh Hóa hai chữ: "Long" và "Hòa hợp". Theo đó, chữ "Long" thể hiện cho ước vọng năm Giáp Thìn 2024, thành phố Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hóa rồng. Chữ "Hòa hợp" thể hiện cho sự kiện huyện Đông Sơn sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa thuận theo "ý Đảng - lòng dân". Đồng thời, cùng hòa hợp, chung sức, đồng lòng để xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Trình diễn nghệ thuật thư pháp và cho chữ Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 1.

Tại chương trình, đông đảo người dân và du khách đã tham gia hoạt động xin chữ đầu xuân. Bởi từ lâu, phong tục xin và cho chữ trong những ngày đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Xin chữ đầu xuân thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong ước về những điều may mắn, tài, lộc, phúc, thọ, bình an và phát triển trong năm mới. Đây cũng chính là mạch nguồn để nghệ thuật thư pháp trường tồn với thời gian, trở thành nét văn hóa đặc sắc trong những ngày đầu xuân của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 13/02/2024