Tròn 1 năm xung đột Sudan: 1 năm của bạo lực, di dời

20:10 - 15/04/2024

Ngày 15/4 đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột đẫm máu tại Sudan giữa Quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Cuộc xung đột đã khiến gần 15.000 người thiệt mạng. 8,5 triệu người phải di dời, trong đó 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng, khiến đây trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Trong khi đó mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột tới nay đều lâm vào bế tắc.

Người tị nạn Sudan tại một bệnh viện ở Adre, Chad. Ảnh: Reuters

Người tị nạn Sudan tại một bệnh viện ở Adre, Chad. Ảnh: Reuters

Rạng sáng 15/4/2023, người dân thủ đô Khartoum bàng hoàng thức giấc vì tiếng súng và tiếng nổ dữ dội trong các cuộc giao tranh giữa Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự. Giờ đây, cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 2 nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn đứng trước tương lai bất định khi lập trường của các bên tham chiến vẫn cách xa nhau.

Hậu quả mà thường dân phải hứng chịu là các cuộc tấn công bừa bãi – bao gồm cả bạo lực tình dục lan rộng. Các cộng đồng tan vỡ, với những gia đình tan vỡ và ly tán hoặc tuyệt vọng để chu cấp cho những người còn ở lại

Người trẻ có cuộc sống bị đảo lộn, hoàn toàn không biết chắc chắn về tương lai. Tầng lớp trung lưu thành thị của Sudan hiện gần như bị kiệt quệ: kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, y tá, kỹ sư và sinh viên. Họ đã mất tất cả.

UNHCR và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo về tình hình sức khỏe ngày càng tồi tệ khi các cơ sở y tế trên khắp Sudan phải vật lộn để đối phó do thiếu nhân viên, thuốc cứu sinh và thiết bị quan trọng, làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay và gây ra những cái chết không đáng có.

Người ở lại đã vậy, người rời bỏ đất nước đi lánh nạn liệu có khá hơn? Là một trong số hàng triệu người chạy trốn cuộc chiến ở Sudan đến Ai Cập cách đây 1 năm, anh Mohamed Ismail cho biết cuộc sống của anh giờ chỉ xoay quanh việc làm thế nào để lo đủ ăn cho 5 đứa con nhỏ với đồng lương ít ỏi 100 đôla mỗi tháng kiếm được tại một nhà máy giấy ở Giza

Mặc dù quốc tế cố gắng thúc đẩy việc chấm dứt xung đột và tăng cường nguồn viện trợ cho Sudan, hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỷ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudan sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Nguồn: Bản tin TSQT tối 15/4