Trung Quốc khẳng định không yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu nước ngoài

17:40 - 25/03/2023

Ngày 24/3, Trung Quốc khẳng định coi trọng và bảo vệ an ninh dữ liệu theo luật, đồng thời không yêu cầu các công ty phải nộp dữ liệu thu thập từ nước ngoài sau khi Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok ở Mỹ phải điều trần trước Quốc hội nước này.

CEO Tik Tok tại Mỹ - Chu Thụ Tư. (Ảnh: AP)

CEO Tik Tok tại Mỹ - Chu Thụ Tư. (Ảnh: AP)

Trả lời câu hỏi đề cập đến phiên điều trần của CEO TikTok Shou Zi Chew tại Quốc hội Mỹ trước đó, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh "chưa bao giờ và sẽ không yêu cầu các công ty hoặc cá nhân thu thập hoặc cung cấp dữ liệu ở nước ngoài, theo cách vi phạm luật pháp địa phương".

Bà đồng thời chỉ trích Washington cho đến nay không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy, ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng nhiều lần "đưa ra các suy đoán có tội và chèn ép phi lý" đối với doanh nghiệp này. Bà hối thúc Mỹ tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, ngừng chèn ép các công ty nước ngoài, đồng thời tạo môi trường cởi mở, công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Mỹ.

Trước đó, CEO TikTok vừa trải qua một phiên điều trần kéo dài khoảng 5 giờ của hơn 50 nhà lập pháp Mỹ -liên quan đến liên hệ của ứng dụng này với chính phủ Trung Quốc, cũng như mối nguy hại đối với thanh thiếu niên.

TikTok đang đối mặt với sức ép từ chính quyền Washington buộc công ty này phải bị bán hoặc bị cấm ở Mỹ trước những lo ngại về bảo mật dữ liệu và thông tin người dùng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ngày 24/3 đã bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp nước này sẽ thông qua một dự luật lưỡng đảng để giải quyết những lo ngại về TikTok.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng đã thông qua dự luật cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden cấm TikTok và các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Đến nay, Quốc hội, Nhà Trắng, quân đội và hơn một nửa số bang ở Mỹ đã cấm TikTok. TikTok mới đây cho biết ứng dụng này hiện có hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa dân số nước này và cao hơn nhiều so với mức 100 triệu người dùng vào năm 2020. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang cấm công chức và thành viên chính phủ sử dụng TikTok, do lo ngại rò rỉ thông tin.

Nguồn: Bản tin Thời sự 18h30 ngày 25/3