Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế

19:31 - 12/03/2024

Thời gian qua, không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công tác đào tạo, Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa còn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa được thành lập ngày 16 tháng 9 năm 2021 trên cơ sở sáp nhập 3 trường: Trường Trung cấp Phát thanh – Truyền hình Thanh Hoá, Trường Trung cấp nghề Xây dựng và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá. Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã khẳng định được là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vị thế hàng đầu của Tỉnh và cả nước về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ và xây dựng. Nhà trường luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Quy mô đào tạo được mở rộng, chất lượng đào tạo không ngừng nâng cao. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 13 ngành nghề bậc cao đẳng; 16 ngành nghề bậc Trung cấp và 18 nghề hệ sơ cấp. Với phương châm "Chất lượng đào tạo là chìa khóa giúp học sinh, sinh viên tự tin lập nghiệp", nhà trường đã thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo bồi dưỡng gắn với chuẩn đầu ra. Được sự đầu tư trang thiết bị từ các dự án KFV của Nước Cộng hòa Liêng Bang Đức và dự án EDCF, dự án KOIKA của Hàn Quốc, Dự án hợp tác kinh tế kỹ thuật… nhà trường đã được đầu tư các loại máy móc hiện đại, đồng thời các giảng viên nhà trường được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đào tạo.

Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế- Ảnh 1.

Thầy Lê Đức Thiện, Trưởng Khoa cơ khí- Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: "Đội ngũ giáo viên được đào tạo qua các dự án nước ngoài, thiết bị cũng được đầu tư… giúp cho thiết bị trong khoa được đầu tư hiện đại nhất so với các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, giúp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh".

Vài năm trở lại đây, hợp tác quốc tế là chiến lược được các trường nghề tập trung đẩy mạnh với hàng loạt chương trình, khóa học sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Mới đây, thông qua đại sứ quán Việt Nam, trường Đại học Khoa học Mokpo Hàn Quốc đã có chuyến thăm và làm việc, trao đổi thông tin, thỏa thuận hợp tác đào tạo ngành cơ khí, đóng tàu và xây dựng tại trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Theo phương án đưa ra, nhà trường sẽ đào tạo nghề cơ bản, sau đó trưởng Đại học Mokpo sẽ đào tạo chuyên ngành nâng cao tại Hàn Quốc, học viên sẽ được vừa học vừa làm và thu nhập đảm bảo chi trả sinh hoạt trong quá trình du học tại Hàn Quốc. Nhiều sinh viên cảm thấy hào hứng và chờ đón cơ hội hợp tác này của nhà trường.

Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế- Ảnh 2.

Em Bùi Đại Hiệp,Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết thêm: "Khi học tại trường em xác định sẽ đi xuất khẩu lao động, khi biết có liên kết đào tạo Hàn Quốc ở trường, em mong muốn được nâng cao tay nghề cơ khí để đi xuất khẩu, kiếm thu nhập cho gia đình và có tay nghề cao để kiếm công việc tốt hơn sau khi về nước".

Em Lý Xuân Đạt, Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa chiaa sẻ: "Trong quá trình học, em tìm hiểu thấy nhu cầu ngành cắt gọt kim loại của em có nhu cầu công việc lớn, trong quá trình học thầy cô giúp em nâng cao tay nghề, sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được làm việc ở nước ngoài để cải thiện kinh tế gia đình".

Được biết, thời gian qua, Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa đã tạo nhiều cơ hội hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch…Cùng với đó, nhà hợp tác cùng các doanh nghiệp quốc tế trong và ngoài nước đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhà trường trường về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp thu hút tuyển sinh và gia tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế- Ảnh 3.

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: "Khi hợp tác với các trường, nhà trường phối hợp bồi dưỡng nhà giáo để đáp ứng nhu cầu, kêu gọi tài trợ công nghệ từ đối tác để đáp ứng nhu cầu đào tạo, 2 bên cùng trao đổi nội dung đào tạo từ Việt Nam đến tay nghề các nước… Hiện thiết bị nhà trường do 70% do Hàn Quốc tài trợ, rất hiện đại và phát huy hiệu quả".

Ông Lee Ho-Gyun, Hiệu trưởng trường đại học Mokpo – Hàn Quốc cho biết thêm: "Hôm nay tôi đến nhà trường, tôi hiểu rằng Hàn Quốc và  Việt Nam có nhiều phối hợp đào tạo và phát triển kinh tế. Việt Nam có nhiều người lao động tại Hàn Quốc và có nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam. Chính vì vậy hôm nay tôi đến để liên kết đào tạo với trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa để liên kết đào tạo với nhà trường để các bạn sinh viên khi sang trường chúng tôi học tập và làm việc tốt tại Hàn Quốc và sau này về Việt Nam các bạn sẽ trở thành những nhân lực tốt, có tay nghề cao để xây và phát triển kinh tế Việt Nam".

Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế- Ảnh 4.

Có thể thấy, hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề đã và đang được trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, thị trường lao động quốc tế ngày càng có tiêu chuẩn khắt khe về trình độ, tay nghề và tính kỷ luật của người lao động. Để các học sinh, sinh viên tại đây sau đào tạo có vị trí việc làm, thu nhập tốt hơn, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa nói riêng và các trường Nghề trên địa bàn tỉnh nói chung cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhà xưởng thực hành tiên tiến, hiện đại, phù hợp chương trình giảng dạy mới… đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế thời kỳ hội nhập và phát triển.


Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại 07/03/2024