Tự do Internet tại Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận

Dù nước ta đạt nhiều thành tựu vượt bậc về tốc độ phát triển công nghệ thông tin, trong nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ số người dân sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu và các tổ chức thiếu thiện chí vẫn có cái nhìn không khách quan, thậm chí đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do Internet ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, sự phát triển và tự do Internet tại Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận.

Tháng 10 vừa qua, tổ chức Freedom House đã công bố Báo cáo thường niên về Tự do trên mạng năm 2022. Tổ chức này xếp hạng Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới, với cáo buộc việc tiếp cận Internet ở Việt Nam còn trở ngại, nội dung bị lọc và quyền tự do biểu đạt trên mạng bị ngăn chặn. Tuy nhiên, các báo cáo của Freedom House không hề dựa trên các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học tại các quốc gia được xếp hạng, mà chỉ thu thập thông tin từ những nguồn không chính thống. 

Tự do Internet tại Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận - Ảnh 2.

Trên thực tế, kể từ khi hòa mạng quốc tế cách đây 25 năm, mạng Internet ở Việt Nam đã không ngừng được phát triển trên phạm vi cả nước, cả về hạ tầng truyền dẫn, thiết bị truy cập và số lượng người dùng. Đến nay, khoảng 73% dân số Việt Nam đã tiếp cận Internet, mạng 3G, 4G đã phủ sóng toàn quốc. Việt Nam hiện có gần 2.000 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, hầu hết các mạng xã hội lớn đều được phép hoạt động ở Việt Nam với 76 triệu tài khoản người dùng. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm hoàn thiện thể chế và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể sử dụng Intetnet, mạng xã hội, tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân trên môi trường mạng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phù hợp với truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Điều này không chỉ được đa số người dân Việt Nam thừa nhận, mà cả những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam cũng thấy rõ.          

Với những nỗ lực đầu tư của Nhà nước, cùng với nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hạ tầng mạng Internet băng thông rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, giúp người dân ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo đều có thể sử dụng Internet để liên lạc với nhau, để tìm hiểu thông tin, để bày tỏ suy nghĩ, quan điểm. Internet còn được ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, kinh tế, quốc phòng an ninh…Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, nhằm tiếp cận nhanh và tranh thủ tốt nhất những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đem lại những giá trị thiết thực phục vụ đời sống của Nhân dân.

Tại Thanh Hóa, 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 99,75% các thôn, bản, cụm dân cư của tỉnh được phủ sóng di động, sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet với công nghệ hiện đại, tốc độ cao. Với độ phủ sóng internet rộng khắp đã giúp bà con nhân dân trong tỉnh ứng dụng và đời sống và sản xuất, và giúp các địa phương thuận lợi trong việc xây dựng chính quyền điện tử....

Những luận điệu xuyên tạc về tự do Internet, tự do trên mạng xã hội tại Việt Nam thực chất là chiêu trò đánh tráo khái niệm về tự do ngôn luận, với mục tiêu chống phá, gây mất ổn định chính trị, thậm chí là xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tuy nhiên tự do nào cũng đều có nguyên tắc, kể cả không gian mạng. Nhà nước bảo đảm các quyền và tạo điều kiện để người dân được sử dụng Internet, mạng xã hội, thì ở chiều ngược lại, người sử dụng Internet cũng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự xã hội trên không gian mạng, không thể có tự do vượt qua khuôn khổ pháp luật, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người khác,  đó là điều tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều có quy định.          

Tự do Internet tại Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận - Ảnh 5.

Tại Nghị định số 27/2018 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định rõ: người sử dụng Internet có quyền được sử dụng các dịch vụ trên Internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật. Qua đó, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý quan trọng, cho thấy quyền tự do trên Internet tại Việt Nam luôn được bảo đảm, phát huy, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện theo các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế.

   

Nguồn: Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày 2.1.2023