Tự hào 990 mùa xuân

18:34 - 08/02/2019

(TTV) - Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, bởi đây là mùa xuân thứ 990, Danh xưng Thanh Hóa xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1029-2019). Nhân dịp này, mời quí vị và các bạn cùng tìm hiểu về những tên gọi của miền đất xứ Thanh qua các thời kỳ.

 

Trong lịch sử dân tộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, từng có nhiều tên gọi khác nhau.

Thời kỳ Vua Hùng lập nước Văn Lang, chia địa giới hành chính thành 15 bộ, Thanh Hóa khi đó thuộc bộ Cửu Chân.

Năm 523, Nhà Lương đổi Cửu Chân thành Ái Châu.

Năm 607, dưới thời Tùy Thượng Đế, nhà Tùy bỏ đơn vị hành chính cấp châu và lập lại cấp quận. Khi đó, Thanh Hóa thuộc quận Cửu Chân.

Thời thuộc Đường, tên gọi cấp “quận” được đổi thành “châu”, lúc này, nước ta gồm 12 châu. Thanh Hóa thời kỳ này thuộc Ái Châu.

Đến năm 1002, nhà Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đổi đạo thành lộ, phủ, châu. Vùng đất Thanh Hóa vẫn gọi là Ái Châu. Bước sang thời kỳ Đại Việt, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế, chia lại các khu vực hành chính trong nước, đổi 10 đạo (thời Đinh – Tiền Lê) thành 24 lộ. Châu Hoan và Châu Ái được gọi là “Trại”.

Đến đời Lý Thái Thông niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029), Châu Ái được đổi thành Phủ Thanh Hóa. Từ đây, danh xưng Thanh Hóa chính thức xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Về sau, trải qua nhiều tên gọi: Tây Đô, Thanh Hoa thừa tuyên, Thanh Hoa ngoại trấn, tỉnh Thanh Hoa… đến đời nhà Nguyễn, năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), tỉnh Thanh Hoa được đổi thành tỉnh Thanh Hóa và tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay.

Việc xác định năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa một lần nữa khẳng định bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, vị trí cùng những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa tự hào là vùng đất phát tích, khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ phong kiến; là địa bàn trọng yếu, “phên dậu”, “đất căn bản của nước Nam”.  Bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng sẽ luôn là cội nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm  phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Cẩm Tú – Văn Tráng – Lê Quang